Ngày 7/4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH khóa XIII đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, các đại biểu đã không giấu được niềm vui và sự phấn khởi.
Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng đã từng giữ cương vị Phó Thủ tướng chuyên trách về lĩnh vực nội chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng.
Nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí có những bước tiến nhất định, nhưng người dân và cử tri thấy chưa hài lòng, đúng như báo cáo của Chính phủ là chưa đạt yêu cầu, cả về phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết văn bản pháp luật trong phòng chống tham nhũng không thiếu, về bộ máy cũng không thiếu như bộ máy thanh tra của Chính phủ, kiểm tra của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, của HĐND các tỉnh, thành phố, vừa rồi, lại thành lập thêm Ban Nội chính từ Trung ương đến địa phương và trên đó còn có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Mà tổ chức thực hiện chính là người đứng đầu các cơ quan tổ chức.
Tuy nhiên, khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị lại xuất hiện bất cập khác, đó là người đứng đầu rất sợ trách nhiệm nên vun vén, xoa dịu, thậm chí biến báo các con số để từ tham nhũng thành khuyết điểm, từ lẽ ra phải chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ là phê bình, kiểm điểm.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Ông kỳ vọng với vai trò người đứng đầu cơ quan hành pháp, tân Thủ tướng sẽ quan tâm nhiều hơn vấn đề này. Theo đại biểu Lê Như Tiến, người đứng đầu Chính phủ đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, sẽ rất thuận lợi cho việc phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để đất nước ta là một đất nước an toàn. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy kinh tế xã hội nước ta phát triển.
Tin tưởng tân Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có hành động quyết liệt, ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn này, chống tham nhũng như chống giặc “nội xâm”.
Theo đại biểu, thời gian qua, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, tuy nhiên, tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Giống như nhiều đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá, tham nhũng đang được ví như giặc “nội xâm”, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn là làm mất niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước vấn nạn tham nhũng hiện nay, đòi hỏi Chính phủ mới phải thực sự gương mẫu, quyết liệt chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét, xử lý các đối tượng tham nhũng. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật dù ở cương vị nào. “Trong đấu tranh xử lý tham nhũng ở địa phương mà người dân còn cảm thấy có sự phân biệt đối xử giữa người dân và lãnh đạo thì dân không tin và lúc đó công tác phòng chống tham nhũng còn khó khăn” – ông Nguyễn Thái Học nói.
Trước một thực tế hiện nay không phải cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu nào cũng quan tâm đến phòng chống tham nhũng, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều địa phương nhưng không được phát hiện kịp thời, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng đấu tranh chống tham nhũng là việc khó. Một mình Thủ tướng không thể làm được, đòi hỏi có sự đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Người đứng đầu Chính phủ với trách nhiệm của mình phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để có được sự đồng bộ này, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt chống tham nhũng. Hệ thống luật pháp về phòng chống tham nhũng hiện đã đồng bộ, vấn đề còn lại chỉ là tổ chức thực hiện. Từng người đứng đầu Trung ương, địa phương phải cùng vào cuộc, nhận thức nguy cơ tham nhũng, cũng như đòi hỏi của mỗi người dân là phải phòng chống tham nhũng hiệu quả. Nếu không vào cuộc, không xoay chuyển được tình hình, trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu.
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ kỳ vọng của ông bằng mong đợi người đứng đầu Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai hơn, minh bạch hơn, đây cũng là một giải pháp để phòng, chống tham nhũng. “Bộ máy hành chính gồm ba bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người. Tôi cho rằng cái khó nhất là vấn đề con người, đó là những thách thức và tôi kỳ vọng với những kinh nghiệm và nỗ lực của Thủ tướng mới đã từng làm lĩnh vực này, sẽ có đột phá mạnh hơn, thậm chí kể cả những đề xuất liên quan đến cải cách pháp luật” – đại biểu Trần Du Lịch cho biết.