Việt Nam cử quan sát viên dự phiên tranh tụng vụ kiện về Biển Đông; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự COP21, thăm Bỉ và Liên minh châu Âu; Kiểm ngư chính thức được giao thẩm quyền điều tra... là những tin thời sự nổi bật ngày 26/11.
Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2015
Việt Nam cử quan sát viên dự phiên tranh tụng vụ kiện về Biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 26/11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phiên tranh tụng đang diễn ra tại Tòa trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự COP21, thăm Bỉ và Liên minh châu Âu
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris từ ngày 30/11 đến 1/12 và thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12/2015.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel
Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Đức, chiều 25/11 (tức đêm qua giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Angela Merkel hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Đức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức. Thủ tướng Đức bày tỏ ấn tượng về thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Đức khẳng định, Đức coi trọng vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, mong muốn củng cố quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam và thông qua Việt Nam tăng cường quan hệ với ASEAN.
Thụy Sĩ đánh giá cao tầm quan trọng mối quan hệ với Việt Nam
Trong nghi lễ trang trọng được tiến hành tại Cung Liên Bang, Đại sứ Việt Nam Phạm Hải Bằng đã trình thư Ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga. Tổng thống Sommaruga chúc mừng Đại sứ Phạm Hải Bằng được Lãnh đạo Việt Nam tín nhiệm, cử làm Đại sứ tại Bern và hy vọng, trong nhiệm kỳ của Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp trong việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đang rất tốt đẹp giữa hai nước.
Thụy Sĩ là đối tác hợp tác phát triển với Việt Nam trong hơn 20 năm qua và đang định hướng phát triển hợp tác sang lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với trao đổi thương mại đạt từ 700-800 triệu USD/năm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Kiểm ngư chính thức được giao thẩm quyền điều tra
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (26/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với 86,44% tổng số đại biểu tán thành. Một điểm quan trọng trong Luật là việc quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân và cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về đề nghị bổ sung cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế gần các Cơ quan điều tra chuyên trách nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Thuế.