Sớm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho Việt kiều tại Campuchia; Việt Nam - LB Nga thống nhất đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại... là những tin thời sự nổi bật ngày 16/12.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Samdech Say Chhum sang thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Sớm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho Việt kiều tại Campuchia
Ngày 16/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Say Chhum đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để sớm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho kiều dân Việt Nam tại Campuchia, tạo điều kiện để Việt kiều yên tâm, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ tịch Say Chhum khẳng định Campuchia luôn là người anh em tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt với Việt Nam và hai nước sẽ tiếp tục đồng hành và vững bước tiến lên phía trước, vì lợi ích của hai dân tộc và nhân dân hai nước. Đồng thời, khẳng định sự ủng hộ của Thượng viện Campuchia đối với nỗ lực của hai Chính phủ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc phân giới cắm mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Việt Nam - LB Nga thống nhất đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại
Sáng 16/12, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Igor Ivanovic Shuvalov, hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Hai bên thống nhất đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh nói chung cũng như hợp tác song phương Việt-Nga nói riêng. Trong đó, có việc tạo thuận lợi về thuế, thủ tục cho hàng hóa sang thị trường của nhau như nông sản, dệt may... (Xem tiếp tại đây).
Việt Nam chuẩn bị toàn diện và đầy đủ cho Năm APEC 2017
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC”. Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các chủ đề "Nâng cao vị thế của APEC, hướng tới năm 2025;" "Đẩy mạnh các nỗ lực chung, chuẩn bị cho năm APEC Việt Nam 2017."
Khu vực APEC đã khẳng định tầm quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam khi chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu, 82% kim ngạch nhập khẩu, 82% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài và gần 80% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, APEC 2017 là nội dung ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC 2017 sẽ là một bằng chứng sinh động cho quá trình tăng cường ngoại giao đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc chuẩn bị cho APEC 2017 đã được Việt Nam thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ, nhằm đảm bảo cho một năm APEC thành công trên tất cả các lĩnh vực.
Thanh toán điện tử góp phần làm minh bạch, chống tham nhũng và lãng phí
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) diễn ra sáng nay (16/12), tại Hà Nội. Với chủ đề "Kết nối và hợp tác" và hai nội dung thảo luận chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới; Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, diễn đàn đã thu hút gần 300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu khai mạc diễn đàn. (Xem tiếp tại đây)
Sẽ cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực nếu thực hiện chậm
Liên quan đến việc xử lý sai phạm công trình tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, tại buổi giao ban báo chí diễn ra ngày 15/12, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ đầu tư đã thực hiện quá chậm so với yêu cầu. Tính đến ngày 10/12, mới tháo dỡ được 50m2 sàn trên tầng tum của tòa nhà. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân tháo dỡ chậm là do phần vi phạm ở trên cao, điều kiện thi công khó khăn do gần với nhà dân, nguy cơ tai nạn lao động cao.
Sau khi làm việc với các cơ quan chuyên môn, UBND thành phố Hà Nội sẽ chốt thời hạn phá dỡ phần sai phạm theo hướng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm hơn so với tiến độ do chủ đầu tư đề ra ban đầu là 9 tháng, cho giai đoạn 1.