Văn hóa - Du lịch

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu

Minh Anh 18/04/2024 - 06:35

Năm 2024 - kỷ niệm 12 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dịp phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc, tri ân công đức Tổ tiên. Trong ngày này, mỗi chúng ta đều cảm nhận sâu lắng về với nguồn cội, được hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ "đồng bào", cùng sinh ra trong một bọc của mẹ Âu Cơ.

Người Việt Nam luôn giữ vững truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đây là truyền thống được lưu truyền từ ngàn đời nay. Không khó để bắt gặp những đình đền thờ thần, thờ những người có công lao với tổ quốc trên khắp dọc mảnh đất hình chữ S.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

gio-to.jpg
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ của Việt Nam.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là lễ hội chung của toàn đất nước được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công dựng nước của các đời vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

den-hung2.jpg
Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương.

Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ những năm cuối thế kỉ XX đến nay, các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, chùa Thiên Quang được đại trùng tu.

Các công trình kiến trúc thờ tự, quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn được xây dựng: Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn (2004), Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim (2007); bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã 5 Đền Giếng (2001; 2022)...

gio-to2.jpg
Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn kính.

Như vậy, Đền Hùng là nơi thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” sớm nhất, quy mô nhất và tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua hàng ngàn năm lịch sử, được Nhà nước đồng thuận, nhân dân đồng lòng đã bảo vệ, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa Hùng Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng mạnh.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng.

Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

gio-to3.jpg
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu