Tìm giải pháp “lấp đầy” các khu công nghiệp

29/11/2013 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các khu công nghiệp (KCN) tạo công ăn việc làm cho 2 triệu lao động và đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%.

Còn nhiều chỗ trống

 

Theo ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KHĐT), hiện cả nước có 289 KCN được thành lập, trong đó có 184 khu đã đi vào hoạt động, các khu còn lại đang xây dựng kết cấu hạ tầng. Các KCN không chỉ có đóng góp lớn về xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 triệu lao động và đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn.

 

Ông Trần Duy Đông nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ lấp đầy các KCN còn thấp. Trước tiên, do sự thay đổi về ưu đãi thuế. Chẳng hạn, trước năm 2009, các KCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn; thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho DN. Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập DN ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN. Ngoài ra các DN cũng e ngại về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều gặp khó khăn, nên đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như mở rộng hoạt động của các DN.

 

 Ngoài ra, các chi phí về đền bù giá đất giải phóng mặt bằng, thuê đất đều cao hơn, đặc biệt tại các địa bàn có vị trí thuận lợi; sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực cũng có nhiều chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư, trong khi tốc độ tăng lương lại chậm hơn Việt Nam… cũng làm ảnh hưởng đến ưu thế thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung và KCN nói riêng.

 

Doanh nghiệp cần chủ động

 

Ông Trần Duy Đông cho biết, trước thực tế nói trên, Bộ KHĐT đã áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt phát triển KCN mới. Trong đó, nếu địa phương nào muốn thành lập KCN mới thì phải có tỷ lệ lấp đầy bình quân tối thiểu 60% các KCN đã được thành lập. Bên cạnh đó Bộ cũng triển khai những chính sách tạo chuyển biến cho các KCN đang hoạt động.

 

Tìm giải pháp “lấp đầy” các khu công nghiệp

Nhiều khu công nghiệp vẫn chưa được sử dụng hết diện tích

 

Về các giải pháp, theo ông Trần Duy Đông: Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, trong đó có việc ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2012 chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp.

 

Theo đó, Chính phủ yêu cầu rà soát tổng thể các quy hoạch trong thời gian qua với mục tiêu hạn chế tối đa việc thành lập mới các KCN để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các công ty phát triển hạ tầng cũng như DN trong KCN. Các dự án đầu tư sẽ tập trung vào khu hiện hữu trước với mục tiêu lấp đầy các KCN.

 

Đáng chú ý là Luật Thuế thu nhập DN vừa được Quốc hội thông qua ngày 1/7/2013 và có hiệu lực từ 1/1/2014 đã tiếp tục quy định ưu đãi cho DN đầu tư vào KCN như trước năm 2009. Theo đó, các DN đầu tư mới vào KCN thì ngoài ưu đãi như đối với các DN thông thường sẽ được hưởng thêm miễn 2 năm và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo.

 

Những chính sách trên đã có tác động tích cực. Trong năm 2013, các KCN có sự khởi sắc bước đầu, như: Thu hút FDI trong 10 tháng năm 2013 vào các KCN (cả cấp mới và tăng thêm) là 9,8 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn FDI của cả nước với các dự án lớn như lọc hóa dầu Nghi Sơn, Samsung, Nokia. Ông Đông nhận định: Dù còn những khó khăn, nhưng các KCN, khu kinh tế Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cho rằng, để lấp chỗ trống trong các KCN, các DN không nên chỉ trông chờ vào các chính sách của Chính phủ mà cũng phải chủ động thu hút đầu tư như: Đẩy mạnh marketing, xúc tiến thị trường; các địa phương cần có sự hỗ trợ sau cấp phép, hỗ trợ thủ tục thuê đất. Trong đó cần chú trọng hỗ trợ các DN bằng các dịch vụ tư vấn về pháp lý. 

 

Bảo Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp “lấp đầy” các khu công nghiệp