Cây nhãn tổ có tuổi thọ hơn 300 năm, tọa lạc tại đình - chùa Hiến (đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là minh chứng hùng hồn cho nguồn gốc của giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên ngày nay.
Tương truyền rằng, cây nhãn tổ Hưng Yên là đặc sản quý của vùng, vì thế, hàng năm cứ vào tháng bảy hàng năm, khi quả nhãn đã chín, các vị quan dân địa phương cùng các vị tiền bối trong làng liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú trong làng để trèo cây hái nhãn.
Đây là cây nhãn có cùi dày, múi thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng nên được chọn lựa để cúng thành hoàng làng, dâng lên Đức Phật và làm sản vật tiến vua nên giống nhãn này bây giờ còn gọi là giống nhãn tiến. Số lượng nhãn còn lại được chia theo khẩu cho các gia đình trong làng, mỗi người chỉ được từ hai đến ba quả.
Năm 1947, một cơn bão lớn quét qua thành phố Hưng Yên, do là cây nhãn lâu năm, thân cây mục ruỗng nên cành cây đã bị gãy mất một nửa.
Hiện tại, cây nhãn tổ chỉ còn lại một nhánh con, nhánh cây này được nhà chùa và người dân chăm sóc phát triển thành cây nhãn “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến- Hưng Yên.
Về Chùa Hiến có tên chữ Hán là “Thiên Ứng tự" được xây dựng cuối thời Lý, đầu thời Trần, do Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Đến năm 1625, 1709 chùa được trùng tu lại.
Bố cục kiến trúc của chùa kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan âm cùng tứ vị bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Đây là đặc điểm khác biệt trong bố cục thờ tự của chùa Hiến so với các nơi khác, nơi nhiều thương nhân trong và ngoài nước đến sinh sống, buôn bán.
Phía trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Mộ tấm bia có niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) ghi việc hưng công tu sửa chùa, có thể xếp chùa vào hàng thứ năm sau bộ “tứ đại khí” thời Lý. Bia ghi nhận “Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương, ghi lại 20 phường xã và quá trình đô thị hóa của Phố Hiến xưa. Tấm bia “Thiên ứng tự - bia ký công đức trùng hưng” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) ghi việc góp công tu sửa chùa, có 481 người có quê quán nhiều vùng khác nhau, trong đó có 56 người Trung Quốc. Qua đó, chúng ta có thể hình dung được khung cảnh của đô thị Phố Hiến, nơi hội tụ của nhiều cư dân đến buôn bán.
Bên cạnh Chùa Hiến là Đình Hiến, đình thờ vị quan thái giám họ Du có công lập làng nghề Hoa Dương giúp nhân dân canh tác, buôn bán. Đình còn mang tên khác là đình Hoa Dương dựng lên từ thế kỷ XVII. Kiến trúc của đình có năm gian tiền tế và ba giạn hậu cung, được xây theo hình chữ Đinh mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Lễ bái đình Hiến là phong tục quen thuộc của những du khách tới hành hương. Đình nằm cạnh chùa, thuộc quần thể di tích phố Hiến.
Trước cửa có cây nhãn Tổ nổi tiếng. Đây là cây nhãn đường phèn, quả to, cùi dày, hương thơm đặc sắc.