Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Bình Nguyên| 27/01/2021 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội…

Là một trong nhiều bất cập được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày tham luận tại Đại hội XIII sáng nay 27/1. Cùng với đó là những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo được ngành giáo dục đề ra.

Thừa thiếu giáo viên cục bộ

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 07 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

phung-nha.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non;duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Bộ GDĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GDĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới…

Tuy nhiên, sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, bên cạnh kết quả, thành tựu mà ngành Giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như:

Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành. Truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT xác định, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo  trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 05 nhóm giải pháp cơ bản, đó là:

4ee3cf3d2dc5dd9b84d4.jpg

Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - giải pháp đột phá: Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD-ĐT chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, để thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn. Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn vừa qua;

Giai đoạn 2021-2025, ngành GD-ĐT chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay;

Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học;

Có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, quy hoạch một bước mạng lưới trường, lớp học. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ học các trường, điểm trường lẻ có ít giáo viên, học sinh. Việc quy hoạch, sắp xếp chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.

Vì vậy, trong thời gian tới, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, trong đó khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; rà soát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tổ chức hoạt động và tiêu chuẩn đội ngũ, cơ sở vật chất tối thiểu để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực và tiếp cận quốc tế. Rà soát sắp xếp lại các đại học, trường đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Hình thành một số đại học, trường đại học trọng điểm và khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, trong đó nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, những năm qua, ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành GD-ĐT xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Ngành GD-ĐT cũng sẽ tăng cường, đổi mới nội dung và phương thức thực hiện công tác truyền thông, trong đó, kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới GD-ĐT trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đồng thời có các biện pháp kiểm soát kịp thời các thông tin sai lệch, có tác động tiêu cực đến ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo