Trong thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến không còn là khái niệm xa lạ với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, tư duy chiến lược mục tiêu tiếp thị cổ điển đang khiến cho nhiều doanh nghiệp thất thế trước những đối thủ mạnh.
Trên đây là nhận xét của đại diện Google tại Việt Nam ở Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing Forum – VOMF) diễn ra mới đây tại Hà Nội. Lấy ví dụ về video game, đại diện của Google nói rằng thực tế chỉ có 31% người là nam ở độ tuổi từ 18-34 tìm kiếm trên di động về video game. Hay một dẫn chứng khá bất ngờ khác là 40% người tìm mua đồ dùng cho trẻ sơ sinh sống trong hộ gia đình, không có trẻ em.
Điều này cho thấy tư duy chiến lược mục tiêu cổ điển bao gồm việc đánh giá những thuộc tính bao quát của khách hàng, dựa vào khuôn mẫu, phỏng đoán chủ quan riêng về giới tính, tuổi tác khiến người bán không xác định được những thông tin chuẩn xác và hiệu quả nhất. Hay nói một cách khác là công nghệ mới mà tư duy thì cũ khiến doanh nghiệp chịu thiệt thòi.
Theo đại diện của Google tại Việt Nam, việc tiếp thị trực tuyến thay vì nhắm vào giới tính tuổi tác thì cần nhắm đến ý định mua hàng. Đây là tư duy mới trong thời đại "big data" với tín hiệu hành vi thực, chuẩn xác hơn.
Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến. Ảnh: VOMF
Hiện nay, tỷ trọng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến trên toàn bộ chi tiêu quảng cáo khá lớn và có xu hướng ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo eMarketer, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ trọng này năm 2015 là 32,3% và dự đoán tăng lên 36,3% trong năm 2016. Còn dự đoán chi tiêu quảng cáo trực tuyến 2016 tại Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ lần lượt là 2,9 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 7 tỷ USD.
Tại Mỹ, kỳ vọng quảng cáo trực tuyến năm 2016 sẽ tăng 15,4% và đạt doanh số trên 68 tỷ USD, chiếm 32,6% toàn bộ thị trường quảng cáo. Đến năm 2020, tỷ trọng của quảng cáo trực tuyến lên tới 45% và từ năm 2017 doanh thu từ quảng cáo trực tuyến cao hơn từ tivi. Khi so sánh với quy mô bán lẻ trực tuyến của Mỹ có thể thấy doanh số của quảng cáo trực tuyến chiếm tỷ trọng khá cao. Theo Forrester, doanh số bán lẻ qua mạng của Mỹ năm 2015 là 335 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt 523 tỷ USD vào năm 2020.
Tại Việt Nam, có ước tính cho rằng năm 2015 doanh số của quảng cáo trực tuyến ước đạt 0,33 tỷ USD và thương mại điện tử bán lẻ là 4 tỷ USD. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 thương mại điện tử bán lẻ ở nước ta sẽ đạt 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này các doanh nghiệp cần khai thác mạnh mẽ và hiệu quả hơn kênh tiếp thị trực tuyến.
Chia sẻ tại VOMF 2016, các chuyên gia từ Google, Facebook, Nielsen khẳng định ý nghĩa sống còn của việc tiếp cận đa nền tảng tới người tiêu dùng, tiếp thị qua công cụ tìm kiếm tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong khi tiếp thị qua các mạng xã hội đang trở thành xu hướng chủ đạo. Một số hình thức tiếp thị khác như tiếp thị qua video hay tiếp thị liên kết ngày càng có ảnh hưởng to lớn. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cần nắm vững hoạt động kinh doanh của mình để chọn lựa chiến lược tiếp thị tối ưu, chiến lược này có thể là sự kết hợp hài hòa của nhiều hình thức quảng cáo, bao gồm thư điện tử, hiển thị, tối ưu hóa tìm kiếm (SEO), video, mạng xã hội, v.v…
Một số diễn giả nhấn mạnh tới việc các công ty quảng cáo trong nước cần nhanh chóng tiếp cận công nghệ tiên tiến để cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn tới khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Thực tế hiện nay, theo ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc công ty Vinalink, Googlevà Facebook chiếm tới 70% thị phần trong lĩnh vực digital marketing tại Việt Nam với doanh số hơn 5.000 tỷ đồng, còn lại các công ty quảng cáo vừa và nhỏ nội địa chỉ chiếm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Điều này đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến của Việt Nam cần đổi mới và nâng cao bản thân để tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua digital marketing.