Tòa án Tối cao Vương quốc Anh hôm qua (24/1) đã ra phán quyết buộc Thủ tướng Theresa May phải chờ Quốc hội thông qua trước khi chính thức khởi động chương trình đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Theo Reuters, với số phiếu ủng hộ là 8 và số phiếu chống là 3, Chánh án Tòa án Tối cao Anh David Neuberger tuyên bố rằng, chính phủ không thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007 mà không có một đạo luật của quốc hội cho phép làm điều này.
Phán quyết đồng nghĩa với việc Thủ tướng Anh Theresa May không thể sử dụng quyền hành pháp còn được gọi là “đặc quyền hoàng gia” để viện dẫn Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon và bắt đầu quá trình 2 năm “ly hôn” với EU. Và quyết định này đã cho các nhà lập pháp phản đối Brexit một cơ hội để lật ngược tình thế.
Bà Theresa May phải chờ Quốc hội thông qua trước khi chính thức khởi động chương trình đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu
Tuy nhiên, tòa án đã loại bỏ một trong những rào cản lớn nhất cho chính phủ của bà May khi cho hay bà không cần đến sự chấp thuận của các hội đồng ủy thác ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland trước khi khởi động Brexit.
Các nhà vận động phản đối Brexit tranh cãi rằng việc ngăn cản quốc hội Anh bỏ phiếu là phi dân chủ và vi phạm các quy định hiến pháp lâu đời. Bộ trưởng thứ nhất Scotland, Nicola Sturgeon cũng cho rằng quyết định của tòa án không cho các hội đồng ủy thác tham gia bày tỏ ý kiến càng khiến Scotland muốn thúc đẩy tiến trình tìm kiếm độc lập, bởi những người dân Scotland vốn phản đối Brexit cảm thấy không được đối xử công bằng.
Bộ trưởng Tư pháp Jeremy Wright cho hay chính phủ "thất vọng" nhưng sẽ tuân thủ và làm tất cả những gì cần thiết để thực thi phán quyết của tòa.
Trong khi đó, phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng May tuyên bố, "người dân Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU và chính phủ sẽ dựa trên quyết định của họ, kích hoạch Điều 50 như kế hoạch vào cuối tháng 3". Ông nói, "Phán quyết hôm nay không thay đổi được điều đó".