Ngày 20/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu tại UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều lợi ích thanh toán điện tử không dùng tiền mặt
Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian qua ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ trong ngành y tế.
Bộ trưởng Tiến cho rằng, hiện nay việc thu, thanh toán viện phí bằng tiền mặt ở một số bệnh viện chính là khâu còn nhiều bức xúc nhất đối với người bệnh. Lý do vì các điểm thanh toán viện phí thường quá tải, khiến người dân mất đến 3-4 lượt xếp hàng chờ thanh toán tiền khám bệnh, làm các chỉ định lâm sàng, nộp tiền nhập viện, nộp viện phí… gây ra tâm lý ức chế, khó chịu, cáu gắt. Bản thân các bệnh viện cũng phải bố trí số đông cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị
“Trước thực tế này, ngành y tế đang đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện trên cả nước đã có khoảng 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, mang lại nhiều tiện ích (như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt), giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, giảm phiền hà, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.
“Khó khăn này chỉ là tạm thời, nếu các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở chăm sóc sức khỏe quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng. Các ngân hàng cũng biết đây là thị trường tiềm năng và thiết thực để xã hội văn minh hơn và thể hiện các ứng dụng các dịch vụ ngân hàng trong đời sống rõ rệt, người dân sẽ thấy tiện ích hơn. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian không xa, việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế sẽ triển khai thành công, theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt, xã hội văn minh, hiện đại”, người đứng đầu ngành y tế khẳng định.
Đẩy mạnh truyền thông về thanh toán toán viện phí không dùng tiền mặt
PGS.TS Trần Qúy Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, qua quan sát và nhận thấy quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước.
Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những ngày đông bệnh nhân, có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo các cơ sở y tế đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Việc triển các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường của đơn vị. Để đảm bảo sự tác động đó không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn không tích cực đến bệnh viện, các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị.
Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện như: Xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí tại bệnh viện, phát các tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đăng tải tài liệu lên website bệnh viện... Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.
Trước đó, vào ngày 19/9/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt trong ngành y tế. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thủ trưởng các cơ sở giáo dục đào tạo về y dược đóng trên địa bàn đô thị phải bố trí nguồn nhân lực, sử dụng nhiều giải pháp thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí về thanh toán điện tử vào trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử không dùng tiền mặt của người dân trước ngày 31/12/2019.