Một lần về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã nói với nhân dân Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Lời nói của Bác đã khẳng định sức mạnh của nhân dân ta, cũng như công lao của người dân xứ Thanh trong chiến dịch Điện Biên lịch sử.
Kỳ 1: Thanh Hóa - hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Thực hiện nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953).
Dốc sức người, sức của…
Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất và là chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch này, hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng đảm bảo cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng trực tiếp chiến đấu là 53.830 người, dân công phục vụ là 33.000 người. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Tính chung, dân công chiến dịch đã phục vụ lên đến 12 triệu ngày công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “… Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch…”.
Quân dân Thanh Hóa góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ Ảnh TL
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, cùng với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp thành hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, trong đó Thanh Hóa là tỉnh địa đầu của miền Trung, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Liên khu III, Bắc Bộ và Tây Bắc. Mùa hè năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang năm thứ 8. Cục diện chiến trường Việt Nam đã có những biến đổi quan trọng. Tại chiến trường Bắc Bộ, Tây Bắc, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch lớn. Mọi nhu cầu bảo đảm cho cuộc kháng chiến đòi hỏi rất lớn ở hậu phương.
Những tháng cuối năm 1953, hậu phương Thanh Hóa vừa phải ra sức đẩy mạnh mọi mặt công tác xây dựng và bảo vệ hậu phương, vừa tích cực động viên sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, từ năm 1951-1953, quân và dân Thanh Hóa liên tiếp bổ sung lực lượng, phục vụ 5 chiến dịch lớn: Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào. Đặc biệt, chiến dịch Thượng Lào tháng 5/1953, Thanh Hóa bảo đảm tới 76% nhu cầu của cả chiến dịch. Thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị, các binh đoàn chủ lực của ta lần lượt rời hậu phương Thanh Hóa để dồn sức cho chiến dịch. Các Đại đoàn 304, 320, 316 và một số trung đoàn đang tác chiến bảo vệ Thanh Hóa và vùng tự do Liên khu III lần lượt hành quân lên Tây Bắc, sang Lào chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ bảo vệ Thanh Hóa lúc này do lực lượng vũ trang trong tỉnh đảm nhiệm.
Từ trung tuần năm 1953 đến đầu năm 1954, khi biết quân và dân ta đang chuẩn bị mở các chiến dịch lớn tại Lai Châu, Tây Bắc, Thượng Lào và đang ráo riết tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp vừa tăng cường đối phó với ta ở chiến trường Tây Bắc, vừa cho máy bay, tàu chiến bắn phá, càn quét dữ dội vào Thanh Hóa nhằm buộc ta chi phối lực lượng và chia cắt hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến trường chính Tây Bắc và Lào. Ngày 15 và 16/10/1953, Na-va mở cuộc hành binh Hải Âu đánh ra Tây Nam Ninh Bình và cuộc hành binh “con bồ nông” đánh vào vùng biển Thanh Hóa. Sáu tháng cuối năm 1953 và những tháng đầu năm 1954, thực dân Pháp cho quân đổ bộ, càn quét hơn 10 lần vào các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Trận càn ít nhất là 100 tên, nhiều nhất là hơn 3.000 tên.
Và …“Chia lửa” cho tiền tuyến
Để phân tán lực lượng của địch hỗ trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện “chia lửa” với chiến trường Bắc Bộ, Tây Bắc, quân, dân Thanh Hóa tổ chức những trận tập kích vào các đồn bốt ở Chính Đại, Mai An Tiêm, Vân Hải thuộc các xã phía Bắc huyện Nga Sơn để kìm chân địch, không để chúng ra ứng cứu cho chiến trường Bắc Bộ và Tây Bắc. Tại các huyện Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia, các đại đội bộ đội địa phương đã cùng dân quân du kích tổ chức lực lượng chống càn quét bảo vệ địa phương.
Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển lãm sách, báo về Điện Biên Phủ
Đầu tháng 12/1953, công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành ráo riết. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa một mặt phải tổ chức chiến đấu bảo vệ địa phương, mặt khác phải tích cực chi viện cho chiến trường thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Công tác tuyển quân không chỉ một năm một đợt, hai đợt mà có năm lên tới ba, bốn đợt, lúc nào tiền tuyến cần, lúc đó có hậu phương chi viện. Năm 1953 và 6 tháng đầu năm 1954, Thanh Hóa có 18.890 thanh niên nhập ngũ, bằng quân số nhập ngũ 7 năm về trước (1946-1953).
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng bắt đầu huy động lực lượng dồn sức cho Điện Biên Phủ. Đáp ứng cho chiến dịch, Thanh Hóa đã nhanh chóng củng cố nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng bộ đội địa phương để kịp thời chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bổ sung nhiều đơn vị ra chiến trường như Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các Đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không, hai trung đội trinh sát cho Đại đoàn 304. Ngoài ra, Thanh Hóa còn điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước, Đại đội 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia, các đơn vị của Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Thạch Thành cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, tại Nga Sơn, quân và dân Thanh Hóa ra sức đẩy mạnh tiến công quân sự để kìm chân địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mặt khác, các tổ dân vận, địch vận vẫn tăng cường tuyên truyền hoạt động khuếch trương chiến thắng của ta trên chiến trường Điện Biên, làm lung lay tinh thần và làm tan rã hàng ngũ địch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, tin chiến thắng nhanh chóng đến với quân và dân Thanh Hóa, lực lượng vũ trang tỉnh tích cực khuếch trương chiến thắng, các tổ dân vận, địch vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nói rõ âm mưu thủ đoạn của địch, kêu gọi binh lính địch đóng tại các đồn Điền Hộ, Mai An Tiêm hạ vũ khí đầu hàng. Đồng thời, các đại đội bộ đội địa phương tổ chức các đợt tấn công truy quét, buộc địch phải đầu hàng. Thất bại trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, buộc địch phải rút khỏi Nga Sơn, bị tiêu diệt nặng trong các trận càn quét vào bờ biển phía Nam Thanh Hóa, âm mưu phá hậu phương Thanh Hóa bị thất bại hoàn toàn. Ngày 7/8/1954, thực dân Pháp phải rút khỏi đảo Hòn Mê, chấm dứt sự có mặt của quân Pháp ở Thanh Hóa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ, động viên quân và dân Thanh Hóa chiến đấu bảo vệ địa phương, dồn sức chi viện cho chiến trường. Trong chiến dịch, Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng của Điện Biên Phủ. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung một tiểu đoàn, hai đại đội, hai trung đội và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. Tinh thần xả thân chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa trên mặt trận là biểu tượng tốt đẹp rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa có 5 đồng chí được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Anh hùng liệt sĩ Trần Đức, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia; Anh hùng liệt sĩ Lê Công Khai, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa; Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy; Anh hùng Lò Văn Bường, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân; tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Tiểu đội trưởng Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, quê xã Nông Trường, huyện Nông Cống đã lấy thân mình cứu pháo, không để rơi xuống vực thẳm.
Âm vang Điện Biên Phủ đã lan tỏa trên các mạch sống của nhân dân Thanh Hóa, tạo nên nguồn lực tiếp sức cho quân và dân cả nước tiếp tục chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.