Câu nói của ông chủ tập đoàn lớn trong một phiên tòa cách đây không lâu khiến dư luận phát sốt: "Tiền nhiều để làm gì?". Câu hỏi ấy có quá khó để trả lời?
Tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì không có gì cả. Và hẳn là số đông người Việt đều thuộc bài thơ vui về tiền: "Tiền là tiên là phật/Là sức bật của lò so/Là thước đo của lòng người/Là nụ cười của tuổi trẻ/Là sức khỏe của người già/Là cái đà của danh vọng/Là cái lọng để che thân...
Nhiều người nói tiền chẳng có ý nghĩa gì cả, nó chẳng mua được hạnh phúc, chẳng mua được sức khỏe...vân vân và vân vân. Song, đó thực ra chỉ là suy nghĩ của những người không có tiền đang tự thôi miên bản thân mình. Đồng tiền có sức mạnh ghê gớm lắm.
Có câu "Tiền có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến thức", câu nói này rất đúng bởi muốn có kiến thức thì phải trải qua quá trình dài rèn luyện, học hỏi, không tự nhiên bỏ tiền ra mua là có. Nhưng bây giờ lại có một câu nói khác "Tiền không mua được kiến thức nhưng có thể mua được điểm". Câu nói này đã được áp dụng vào thương vụ mua điểm ở tỉnh Sơn La.
Hãy trông lên cái tỉnh nghèo miền núi phía Bắc xem họ đã sử dụng sức mạnh của đồng tiền như thế nào? Có bị can khai chi 1 tỷ đồng trong vụ mua bán điểm thưa các ông, các bà.
Nếu đó là sự thật, thì thật dễ trả lời câu hỏi có nhiều tiền để làm gì? Để mua điểm chứ còn để làm gì nữa.
Một cái tỉnh mà theo công bố thì vẫn còn 8 vạn hộ nghèo xét theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Chính quyền đang hô hào, phấn đấu kéo tụt số người thu nhập bình quân dưới 1 triệu đồng/tháng, thì vẫn có hàng trăm kẻ xênh xang, quăng tiền cả quyển để chạy điểm.
Cái bảng phong thần toàn con em ông cha, bà chú làm ở sở nọ, ngành kia, toàn quyền cao chức trọng bảo sao rất biết tiêu tiền. Ăn phải sơn hào hải vị, ngủ phải chiếu gấm màn nhung, con cái dốt đặc cán mai nhưng đi thi cứ phải thủ khoa mới xứng.
Tiền có thể biến 0 thành 9, biến đứa trượt đại học thành thủ khoa, biến những tham vọng, những toan tính đen tối cho tương lai thành hiện thực. Nó cũng làm băng hoại giá trị đạo đức, chà đạp lên sự công bằng và gây nhiễu loạn xã hội.
Ấy thế mà, những kẻ vung cả sấp tiền mua điểm vẫn la lối cho rằng mình vô can. Đúng là "bố láo bố lếu". Nghĩ đến cái cảnh chúng túm năm tụm ba bàn bạc, cò kè, nâng lên đặt xuống trên những bài thi cũng đủ kinh hãi.
Phải kiểm tra lại xem họ đã leo cao, luồn sâu bằng thứ gì? Phải chăng cũng lại trăm nọ, tỷ kia để có cái quan tước ấy?
Giờ thì hay rồi. Tấm màn đen tối ở Sơn La cũng được vén ra rồi. Còn Hòa Bình, Hà Giang? Giá sàn của các vị thế nào? Còn những kẻ đang đeo mặt nạ đạo mạo, đoan trang ấy, sao đến giờ này vẫn chưa lật ngửa nó ra?