Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thông tin tại buổi họp báo về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tổ chức chiều ngày 19/11, ông Đặng Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017.
Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991. Tương tự theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 09 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị).
“Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", lãnh đạo Cục tài chính doanh nghiệp thông tin.
Ảnh minh họa
Đánh giá về công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế. Điển hình như việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN còn chưa đầy đủ, nghiêm túc.
Đáng chú ý theo ông Tiến, một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Vì thế, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chính tiến độ cổ phần hóa. Dẫn đến tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao, làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH.
Về kế hoạch và tình hình thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn từ 2016 - tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.
Trong hoạt động bán cổ phần lần đầu và thoái vốn qua Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) từ năm 2016 đến tháng 8/2018, SGDCK đã thực hiện bán đấu giá cổ phần và thoái vốn cho 225 doanh nghiệp với tổng số cổ phần chào bán là 5.781 triệu cổ phần, tổng số cổ phần bán được là 3.259 triệu cổ phần, tỷ lệ thành công là 56%, với tổng giá trị thực tế bán được là 178.200 tỷ đồng.
Đối với công tác chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hiện nay, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp; Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 05 Bộ và 08 tỉnh, thành phố.
Theo đại diện Bộ Tài chính, để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ 12 nhóm giải pháp.
Trong đó, giải pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước rất quan trọng. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.
Ngoài ra cần chú trọng tới hoạt động định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện - ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.