Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Sáng cùng ngày, đã có 21 đại biểu phát biểu thảo luận, trong đó có nhiều ý kiến phân tích sâu về những bất cập về công tác này hiện nay.
“Tích hợp quy hoạch” có phù hợp không?
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương nhận định: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là chưa từng có tiền lệ, nếu xét về nội dung, tính chất phức tạp và cả phạm vi tác động của luật.
Sau gần 5 năm, đến cuối tháng 4 vừa qua chỉ có 7 quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, trong hơn 111 danh mục quy hoạch phải thực hiện. Mặc dù đã có 144 luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch được ban hành, nhưng chưa có dự án nào được triển khai từ chính luật này.
Vì sao Luật Quy hoạch với kỳ vọng là chiếc cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch chỉ mới hơn 3 năm có hiệu lực thi hành thì nay phải chịu sự giám sát tối cao Quốc hội?
Đại biểu phân tích, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là từ giải pháp tích hợp quy hoạch. Để có thể tích hợp theo Nghị định 37 của Chính phủ thì cơ sở dữ liệu phải được số hóa, đặc biệt liên kết nhau, bao gồm cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Tuy nhiên, số lượng các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn làm quy hoạch tích hợp lại không nhiều để có thể đáp ứng được yêu cầu, trong khi danh mục quy hoạch là rất lớn. Hạn chế này mang tính chất khách quan, do đó không có điều gì chắc chắn 1 hay 2 tháng nữa sẽ có đủ nhà tư vấn đảm đương được việc này. Do đó cần phải xác định có thể làm được tích hợp quy hoạch hay không, nếu không thì liệu phải chạy theo phương pháp cũ hay giải pháp nào khả dĩ nào, đại biểu nêu vấn đề.
Trong thực tế, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm tổ chức tư vấn. Hạn định cuối năm nay phải phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh. Quan trọng hơn, mỗi quy hoạch có thông số chỉ tiêu kỹ thuật, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau thì việc tích hợp sẽ được thực hiện thế nào?
Theo đại biểu, việc tồn tại gần 20.000 quy hoạch thời kỳ 2010-2020 được điều chỉnh kéo dài thời gian điều chỉnh nội dung và được tích hợp cho đến khi quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt thì bộ lọc nào để có thể chạy và rà soát, điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ những quy hoạch không phù hợp để thực hiện việc tích hợp. Cộng với 320 quy hoạch được xác định tích hợp vào quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh thì với hàng trăm lớp quy hoạch chứa đựng một khối lượng dữ liệu rất lớn và phức tạp thì giải pháp kỹ thuật hay thuật toán nào để có thể đáp ứng được điều này?
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật và một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch cũng đồng nghĩa tất cả các quy hoạch, quy định về quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành cũ hết hiệu lực nhưng các quy hoạch theo quy hoạch chưa được lập dẫn đến gần 20.000 quy hoạch thời kỳ 2010- 2020 phải tiếp tục chạy trên nền Nghị quyết 751 bởi không còn căn cứ để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết thời hạn phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 41 của Luật Quy hoạch, vì đây là một trong những nền tảng của quy hoạch tích hợp. Dự thảo phải xác định thời hạn đối với nội dung trên, đồng thời, có thể cân nhắc phương pháp xây dựng phần mềm thống nhất để cho các địa phương nhập liệu và Chính phủ tích hợp các dữ liệu của địa phương phục vụ cho quy hoạch tích hợp, quản lý và điều chỉnh sau này.
Các dự án điều chỉnh quy hoạch phát sinh nhiều bất cập
Đại biểu Trần Việt Anh - TP Hà Nội cho rằng, Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với 8 loại hình, gồm 111 quy hoạch, cấp quốc gia là 42 quy hoạch, cấp vùng là 6 quy hoạch và cấp tỉnh, thành phố là 63 quy hoạch, với mục tiêu là thống nhất các quy hoạch theo tầng bậc để quản lý đồng bộ, được thiết kế trong điều kiện lý tưởng cho việc quản lý ở các cấp. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Vì vậy cần phải tháo gỡ vướng mắc từ quy hoạch này.
Đối với những vấn đề cụ thể cần được bổ sung, làm rõ quy định về thẩm quyền, thẩm định, phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị. Theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở thì các dự án, đặc biệt là các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập.
Thông thường là chúng ta chỉ nhận thấy ngay lập tức các áp lực của sự gia tăng về giao thông đô thị cho khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó là về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường. Qua đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ những khó khăn do sự gia tăng này.
Vì vậy, cần có khảo sát, đánh giá tác động đối với các dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Hưng Yên cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cao hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quy hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Đặc biệt, trong khi lập quy hoạch phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng quy hoạch, đồng thời làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm tổng kết thực hiện Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật có liên quan. Thực hiện rà soát để bổ sung ban hành mới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị.