Sáng 4/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số UBND tỉnh, thành phố; đại diện các hiệp hội, chuyên gia độc lập...
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã được hoàn thiện, chỉnh lý kỹ lưỡng, chất lượng được nâng lên một bước so với dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua.
Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về một số nội dung lớn, như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện…
Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 60), hiện nay, để xử lý vấn đề quy hoạch cấp quốc gia có độ trễ, thường cuối năm đầu của kỳ quy hoạch mới, thì quy hoạch sử dụng đất quốc gia mới được thông qua trong khi đó, Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
Hiện, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án:
Phương án thứ nhất quy định, các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước; sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Phương án thứ hai quy định, các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Đồng thời, cũng có quy định điều chỉnh với trường hợp khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Nhiều ý kiến tán thành với phương án thứ hai, bởi sẽ bảo đảm được sự đồng bộ, thống nhất, ổn định của hệ thống quy hoạch; đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất; các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt.
Tuy nhiên, những ý kiến này không tán thành với việc có quy định điều chỉnh trường hợp khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thầm quyền quyết định, phê duyệt. Nếu quy định theo phương án này sẽ mặc nhiên thừa nhận hay cho phép việc lập quy hoạch chậm ở giai đoạn tới, tạo sức ỳ cho các cơ quan thực thi (?).
Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên họp. Các đại biểu ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch (tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng) để thực hiện đấu thầu, đấu giá. Đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư.
Do đó, các ý kiến cũng đồng tình với quy định tại dự thảo Luật về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113), để Tổ chức phát triển quỹ đất có đủ năng lực tài chính thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ "đất sạch" thực hiện đấu thầu, đấu giá.
Cũng về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với việc dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí phân định những dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng nào sẽ được tiến hành đấu thầu, đấu giá hay tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (theo diện tích dự án), thay vì giao HĐND cấp tỉnh quyết định. Bởi, cách quy định này sẽ có tiêu chí áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh lúng túng do địa phương không xác định được dự án nào là “dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu”.
Ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, tới đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ làm việc riêng với Thường trực Hội đồng Dân tộc để thảo luận kỹ và thống nhất về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.