Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Báo cáo “Những thực tiễn tốt về thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án” ngày 23/7, các đại biểu đã nghe trình bày về một số đơn vị có thực tiễn tốt điển hình.
Đây thực sự là những mô hình mẫu lý tưởng để các Tòa án triển khai thực hiện nhằm cải cách thủ tục hành chính tư pháp.
Đổi mới thủ tục hành chính công khai, minh bạch
Trình bày dự thảo Báo cáo “Những thực tiễn tốt về thủ tục hành chính tư pháp tại một số Tòa án, Luật sư Bùi Quang Hưng- Đoàn Luật sư Hà Nội (Trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết:
Báo cáo “Những thực tiễn tốt về thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Toà án” được thực hiện trong bối cảnh toàn ngành Toà án đang có những cải cách mạnh mẽ về thể chế để nâng cao năng lực xét xử và liêm chính tư pháp.
Từ năm 2005, ngành Toà án đã xác định “đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Toà án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Toà án.
Quang cảnh hội thảo
Trong những năm gần đây, TANDTC đã ban hành các nghị quyết về công bố bản án trực tuyến, thực hiện một số các thủ tục hành chính tư pháp bằng phương tiện điện tử, ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, triển khai thí điểm hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Hiện tại, TANDTC đã đồng bộ và hiện đại hoá Cổng thông tin điện tử của TANDTC cùng hệ thống 66 trang thông tin điện tử của TAND cấp cao và TAND các tỉnh, thành phố. Thêm vào đó, trên tinh thần “nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”, TANDTC đã tiến hành thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên phạm vi thí điểm trong 16 tỉnh/Tp.
Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ như vậy mới chỉ được thực hiện trong một vài năm trở lại đây và cho tới thời điểm hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế tìm hiểu những thực tiễn tốt hiện nay trong hệ thống Toà án để có thể phát huy.
Phạm vi nghiên cứu về thủ tục hành chính tư pháp được Nhóm nghiên cứu căn cứ theo nội dung khái niệm “hành chính tư pháp” mà ngành Toà án xác định: “Các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp.
Theo đó, nghiên cứu này tập trung vào 04 nhóm thủ tục hành chính tư pháp, gồm: Thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án; Phân công Thẩm phán tại Tòa án; Quản lý thời gian giải quyết vụ án và Cấp trích lục, giao, gửi bản án và công khai bản án.
Một số đơn vị điển hình áp dụng thành công
Về cơ chế tiếp nhận đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện, Nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại 03 đơn vị với kết quả như sau:
Mô hình Bộ phận hành chính tư pháp (“một cửa”) đã được áp dụng thí điểm tại 03 TAND cấp tỉnh ở 03 địa phương: Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế và Hưng Yên. Ở những địa phương này, một số TAND cấp huyện cũng đã áp dụng mô hình này, như Toà án nhân dân Tp. Huế, TAND Tp. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Nhiều Toà án cấp tỉnh và cấp huyện đã xây dựng các mô hình bộ máy hành chính tư pháp khác nhau cho phù hợp với đặc điểm riêng tổ chức cán bộ cũng như mục tiêu quản lý tại đơn vị. Bộ phận hành chính tư pháp tại các Toà án này đều có nhiệm vụ hướng dẫn người dân nộp đơn khởi kiện, tiếp nhận đơn khởi kiện, nghiên cứu, xử lý đơn khởi kiện, đồng thời thực hiện những công việc khác theo quy định của từng địa phương.
Đối với TAND Quận 5 Tp. Hồ Chí Minh, thông tin của đơn khởi kiện sẽ được Bộ phận hành chính tư pháp nhập vào một phần mềm quản lý vụ việc. Phần mềm sẽ cấp mã vạch cho từng đơn để thuận tiện cho việc theo dõi bằng thiết bị tin học. Mã vạch này được in tại giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện và sẽ theo suốt hồ sơ trong quá trình tố tụng. Hệ thống phần mềm cùng các thiết bị đọc mã vạch của TAND Quận 5 được TAND Tp. Hồ Chí Minh trang bị. Chỉ có đương sự, cán bộ Toà án, kiểm sát viên mới có thể tra cứu được thông tin của vụ việc.
So với các cách thức quản lý vụ án ở các Toà án khác, phương pháp và thiết bị tin học của các Toà án tại Tp. Hồ Chí Minh đã giúp cho việc quản lý vụ án của nội bộ Toà án được hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian. Đối với đương sự hay luật sư, tra cứu bằng phương thức điện tử có thể giúp cho họ có thể nắm bắt nhanh được tình trạng thụ lý, giải quyết đơn khi mà họ chưa thể tiếp xúc được với Thẩm phán, thư ký toà theo dõi vụ việc.
Khác với TAND Quận 5, TAND Tp. Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương và TAND Quận Hồng Bàng, Hải đã thành lập Trung tâm hoà giải, đối thoại theo Dự án thí điểm về Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Do đó, trước khi tiếp nhận đơn khởi kiện, Bộ phận hành chính tư pháp của 02 (hai) Tòa án này sẽ tìm hiểu ý chí của các bên về việc hòa giải tranh chấp.
Góp ý kiến về Bộ phận hành chính tư pháp tại Toà án, một số luật sư cho biết mô hình bộ phận hành chính tư pháp hiện nay tại các Toà án là hữu ích cho các đương sự khi cần nộp đơn tới Toà án, trích sao bản án, hay thực hiện các công việc hành chính tư pháp khác. Hiện nay quy trình tiếp nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án cần phải được cải thiện hơn nữa để có thể rút ngắn thời gian thụ lý vụ án ngay cả khi các Toà án đã thành lập bộ phận hành chính tư pháp.
Về phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, các Thẩm phán tại 03 Toà: Kinh tế, Lao động và Hành chính của các địa phương này thường được phân công thêm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình. Có TAND cấp tỉnh lại phân công án theo tiêu chí là phân công đều và ngẫu nhiên cho các Thẩm phán, không phụ thuộc vào việc Thẩm phán đó thuộc Toà chuyên trách nào.
Tương tự như hoạt động phân công Thẩm phán của TAND Quận Hồng Bàng, TAND Tp. Hải Phòng áp dụng cơ chế quay vòng ngẫu nhiên trong phân công Thẩm phán nhưng cũng có cân nhắc đến hai yếu tố nêu trên (số lượng và mức độ phức tạp của vụ án). Mục tiêu của TAND Tp. Hải Phòng trong việc áp dụng nguyên tắc quay vòng ngẫu nhiên là nhằm giúp đảm bảo sự công bằng trong phân công án, rèn luyện Thẩm phán có ý thức tự nâng cao kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực. Việc phân công Thẩm phán theo nguyên tắc đánh số quay vòng ngẫu nhiên cũng đã được áp dụng ở một số TAND tỉnh khác.
Có Toà án đã triển khai ứng dụng phần mềm phân công án ngẫu nhiên cho các Thẩm phán, như TAND Tp. Hồ Chí Minh hay TAND Tp. Đà Nẵng, để bảo đảm tính ngẫu nhiêu cao và tránh sự can thiệp chủ quan vào việc phân công án.
Phần mềm phân công Thẩm phán tại TAND Tp. Hồ Chí Minh thực hiện theo các thứ tự ưu tiên như sau:
Thứ tự ưu tiên thứ nhất là phân công án mới đối với Thẩm phán có số lượng án tồn ít nhất và giải quyết nhiều án, đồng thời trong số các án đã giải quyết có ít án tạm đình chỉ và án hủy theo thứ tự tổng số án tồn nhiều ít khác nhau;
Thứ tư ưu tiên thứ hai là phân công án mới đối với Thẩm phán có số lượng án tồn ít nhưng trong số các án đã giải quyết còn nhiều án tạm đình chỉ và án hủy;
Thứ tự ưu tiên thứ ba là tạm dừng hoặc không phân công đối với Thẩm phán có nhiều án tồn và án tạm đình chỉ.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ TAND cấp tỉnh, quận, huyện; các luật sư; các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho báo cáo nghiên cứu. Báo cáo sẽ được hoàn thiện và trở thành tài liệu tham khảo cho các cấp Tòa án trong quá trình cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường tính liêm chính của hệ thống Tòa án.