Câu chuyện thuốc Trung Quốc làm từ thịt người lưu hành tại Negeria mà Tổ chức tiêu chuẩn nước này xác nhận đang thực sự khiến dư luận hoang mang. Ngày 9/11, Cục Quản lý Dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam.
Vậy thực hư loại thuốc này như thế nào, có an toàn không? Báo Công lý trích đăng bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) về vấn đề này:
Ngày 6 tháng 8 năm 2011, một trong ba kênh truyền hình lớn nhất của Hàn Quốc là SBS đã phát một phóng sự có tên “Viên nang thịt người”. SBS khẳng định đã “vạch trần sự thật về những viên thuốc thần dược làm từ thịt người” có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo SBS, những người làm chương trình truyền hình sẽ đến Trung Quốc để tìm cho bằng được bệnh viện bán thịt người sản xuất thuốc, bởi đó là quá trình kinh hoàng, nhiều yếu tố bi thảm, nhưng khi nhập lậu vào Hàn Quốc thì giá mỗi viên thuốc lại đắt hơn gấp 10 lần ở Trung Quốc. Nhà đài cũng khẳng định, họ đã phối hợp với Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc và Viện Khoa học Quốc gia Hàn Quốc thực hiện phân tích “viên nang thịt người”, kết quả cho thấy loại bột trong viên nang chứa AND với 99,7% giống cấu trúc gen của con người.
Ngay lập tức sự kiện trở nên chấn động trong cộng đồng.
Các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin. Báo chí phương Tây đăng tải những “viên nang thịt người” có nguồn gốc ở Trung Quốc, được sản xuất từ xác chết của thai nhi, để làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh ung thư, hay các bệnh nan y giai đoạn cuối.
Thuốc "chứa thành phần từ người" bị chính quyền Hàn Quốc tịch thu, lưu giữ tại Công an tỉnh South Chungcheong. Ảnh: EPA
Ngày 9 tháng 8 năm 2011, phát ngôn viên Bộ Y tế Đặng Hải Hoa đã phải đưa ra tuyên bố Trung Quốc sẽ điều tra kĩ lưỡng thực hư câu chuyện “viên nang thịt người”, phối hợp giữa y tế với các cơ quan an ninh, hải quan, thương mại, truyền thông để nhanh chóng đưa ra câu trả lời chính xác.
Ngày 26 tháng 5 năm 2013, báo chí Hàn Quốc lại tiếp tục đưa tin cảnh sát nước này bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc buôn lậu một loại thuốc có khả năng được làm từ thịt người. Quá trình điều tra, người đàn ông bị nghi ngờ từ năm 2004 đến thời điểm bị bắt, đã thực hiện trót lọt 41 lần vận chuyển “viên nang thịt người” vào Hàn Quốc. Riêng ngày 8 tháng 4 năm 2013, người này qua mặt Hải quan Hàn Quốc khi nói dối 150 viên thuốc mang theo là để chữa bệnh đau dạ dày, vì số lượng nhiều nên nhân viên Hải Quan đã giữ lại 120 viên, còn lại 30 viên cho phép người đàn ông mang theo để sử dụng. Nhưng khi Viện Khoa học Quốc gia Hàn Quốc tiến hành phân tích thì cả 120 viên thuốc đều chứa AND của con người.
Theo hãng tin Yonhap, từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 8 năm 2012, Hải quan Hàn Quốc bắt giữ 94 vụ buôn lậu “viên nang thịt người” vào Hàn Quốc, với tổng số 43.607 viên. Theo các nguồn tin báo chí khác, trong 8 tháng đầu năm 2012 diễn ra 25 vụ buôn lậu “viên nang thịt người” với tổng số 10420 viên, số lượng đã giảm nhiều so với năm 2011. Đặc biệt, tháng 6 năm 2012 có tổng số 270 viên được buôn lậu từ Mỹ vào Hàn Quốc.
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, mặc dù lực lượng hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra mạnh mẽ, nhưng trong thực tế “viên nang thịt người” vẫn bị buôn lậu tràn lan, rất khó kiểm soát.
Ngày 12 tháng 10 năm 2018, có một bức thư được cho là của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria gửi cho Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria, thông báo phía Hàn Quốc vừa thu giữ 2.751 viên thuốc Trung Quốc được sản xuất từ thai nhi, trẻ sơ sinh, thịt người chết. Nội dung bức thư cho rằng, những viên thuốc được sản xuất ở miền bắc của Trung Quốc, bằng cách sấy khô thịt người trên bếp rồi nghiền nhỏ cho vào viên nang, dùng để nâng cao sức đề kháng, chữa bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và nhiều căn bệnh nan y giai đoạn cuối.
Bức thư cũng tiết lộ, chính quyền Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại khi mỗi viên thuốc chứa tới 18,7 tỉ con virus, bao gồm cả virus viêm gan B, toàn bộ số thuốc được buôn lậu qua đường xách tay.
Chưa biết tính xác thực của bức thư, nhưng Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria đã lên tiếng cam kết bảo vệ người dân Nigeria chống lại các viên thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ thịt người.
Trung Quốc đã giải thích như thế nào về “viên nang thịt người”?
Ngày 8 tháng 5 năm 2012, phát ngôn viên Bộ Y tế Đặng Hải Hoa đã trả lời các câu hỏi của báo chí quốc tế, theo đó Trung Quốc đã chỉ đạo điều tra cẩn thận và không có “viên nang thịt người”.
Cũng theo ông Đặng Hải Hoa, ngay sau khi có thông tin vụ việc “viên nang thịt người”, Bộ Y tế Trung Quốc đã chỉ đạo văn phòng y tế các tỉnh ngay lập tức tiến hành điều tra. Trung Quốc khẳng định, Bộ Y tế đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về rác thải y tế, quy trình xử lý các bộ phận của thai nhi, nghiêm cấm xâm phạm xác chết và hài cốt thai nhi; nhân viên y tế phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ phẩm giá cuộc sống.
Vậy bản chất của câu chuyện “viên nang thịt người” là gì?
Theo truyền thông Trung Quốc, cái được gọi là “viên nang thịt người” không được làm từ “thịt người” mà làm từ nhau thai.
Nhau thai trong y học Trung Quốc được gọi là tử hà sa, có vị mặn, ngọt, nóng; tác dụng bổ dương, tốt cho tim, gan, phổi, thận. Những phụ nữ khỏe mạnh, khi sinh các bà đỡ sẽ lấy bánh nhau tươi, cắt bỏ dây rốn và bóc màng ối, rửa sạch máu, có thể nấu ăn hoặc hấp rồi sấy khô làm thuốc.
Nhau thai được sử dụng cho những phụ nữ quá sản tử cung, teo tử cung, viêm tử cung, không có kinh nguyệt, rong kinh, thiếu sữa, lao, hen suyễn, cổ trướng, đặc biệt là cơ thể suy kiệt.
Đàn ông thận yếu, thiếu máu, vô sinh, bất lực, ù tai, đau lưng, thở ngắn, chán ăn, giảm cân, suy kiệt cũng có thể dùng.
Nếu nhìn theo góc độ y học hiện đại, trong nhau thai có nhiều protein, carbonhydrat, muối khoáng, vitamin, các yếu tố miễn dịch. Đặc biệt, nhau thai có khá nhiều hormone, đặc biệt là nội tiết tố nữ, progesterone, steroid, gonandotropins, hormone vỏ thượng thận.
Vì thế mà trong chừng mực nào đó nhau thai có tác dụng với sức khỏe.
Những năm 2000 trở lại trước, nhau thai được sử dụng để chưng cất thuốc bổ gọi là Filatop, nhưng hiện nay do điều kiện kinh tế và đời sống đã tốt, nên không còn sản xuất Filatop từ nhau thai nữa. Thời kì bao cấp, rất nhiều người đã từng ăn nhau bà đẻ, thậm chí các y bác sĩ cũng ăn.
Hiện nay, y học đã phát triển cùng với đời sống đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất và thuốc, các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng nhau thai để tránh lây nhiễm bệnh. Tuy vậy, thị trường nhau thai vẫn vô cùng phong phú, người dân dễ dàng tìm mua những túi sản phẩm nhau thai sấy khô được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bán nhiều nơi tại Hà Nội và Sài Gòn.
Nhưng nói đến thuốc Trung Quốc làm từ thịt người thì ai cũng hoảng sợ!