Thực hư thông tin lao động mất liên lạc khi đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út

Thanh Phương| 03/11/2019 15:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook liên tục truyền tải thông tin về việc các lao động ở Kom Tum đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út đột nhiên mất liên lạc khiến người thân vô cùng lo lắng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.

Cụ thể, mạng xã hội lan truyền thông tin chị Y Hồng và một số lao động dân tộc Xê Đăng, ngụ tại làng Kon Hia, xã Đăk Rơ Ông, xã Đắk Na (Tu Mơ Rông, Kom Tum) ký hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC (có trụ sở tại Thanh Hóa), đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út vào tháng 8/2019. Sau đó, họ được đơn vị này đưa ra Hà Nội để học ngoại ngữ và xuất cảnh đi làm việc có thời hạn 2 năm ở nước ngoài. Từ ngày chị Y Hông rời khỏi địa phương đến nay gia đình không liên lạc được lần nào với chị.

Thực hư thông tin lao động mất liên lạc khi đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út

Người lao động làm thủ tục đi Ả Rập Xê Út bằng con đường chính ngạch 

Trong lúc chị Y Hồng bặt vô âm tín thì chồng chị đột ngột qua đời. Cậu con trai đầu của gia đình đang học lớp 9 phải bỏ học đi làm thuê nuôi các em. Mẹ chị Y Hồng đã phải đưa các cháu mồ côi về nhà chăm sóc. Cuộc sống của gia đình chị Hồng bỗng chốc lâm vào cảnh bi đát.

Trước thông tin này, người dân vô cùng hoang mạng bởi những ngày gần đây dư luận còn đang bàng hoàng trước sự kiện 39 người tử vong tại Anh trong thùng container do nhập cư trái phép, trong đó có nạn nhân người Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Vũ, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội Kon Tum cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương vào cuộc xác minh. Thông tin liên quan đến một số người lao động, trong đó có chị Y Hồng mất liên lạc với gia đình là hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang dự luận, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động của địa phương. Đoàn đã xuống tận các gia đình xác minh. Người thân chị Y Hồng khẳng định chị có điện về nhà 3 lần, nhưng có một lần con chị không nghe máy. Hai lần còn lại chị đã nói chuyện với người thân, tâm sự về công việc của mình bên Ả Rập Xê Út rất thuận lợi, chủ nhà đối đãi rất tốt với chị. Cuộc điện thoại gần nhất là khi chị Y Hồng nhận được tin chồng mất. Tuy nhiên do điều kiện ở xa, chị sẽ ở lại tiếp tục làm việc để kiếm tiền về nuôi con. Ngoài chị Y Hồng, chúng tôi cũng đã xác minh những lao động còn lại đều thường xuyên liên hệ với gia đình, công việc bên Ả Rập Xê Út rất tốt".

“Trước khi cho phép các công ty hoạt động, Sở cũng đã thành lập đoàn công tác do ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đến từng công ty tìm hiểu cơ sở vật chất, cũng như giáo viên đào tạo tiếng. Riêng Công ty Thuận An DMC là đơn vị đưa nhiều lao động đi làm việc tại thị trường Ả Rập Xê Út mà dư luận đã phản ánh những ngày qua tham gia hoạt động tuyển dụng, đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018. Tôi là người trực tiếp đến thăm cơ sở của công ty tại Thanh Hóa cho thấy, cơ sở đào tạo của công ty rất tốt, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 270 lao động đang đi xuất khẩu lao động, riêng Công ty Thuận An DMC chiếm hơn 100 lao động", ông Vũ nói.

Đi lao động ở nước ngoài, có thu nhập cao là nhu cầu chính đáng của người dân. Bên cạnh thông tin từ cơ quan chức năng, người dân cần phải tìm hiểu đầy đủ, cụ thể về công ty, thị trường cũng phong tục, tập quán của đất nước mà mình sắp ký kết sang lao động. Giữa công ty, người lao động, cơ quan quản lý cần thiết lập một cơ chế, đường dây liên lạc thường xuyên để khi xảy ra sự cố, rủi ro có thể hỗ trợ lẫn nhau. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư thông tin lao động mất liên lạc khi đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út