Cả một thời gian dài, chuyện "ma ám" hoang đường trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của công nhân. Thế nhưng, sự thật phía sau đó là gì?
"Ma ám" hay sự hoang tưởng của con người?
5 công nhân có hiện tượng lạ đều là nữ độ tuổi từ 18 – 40 và cùng là người của tổ đứng máy tại công ty. Theo các công nhân khác ở tổ máy, trước khi sự việc xảy ra, tất cả 5 người đều khỏe mạnh đi làm bình thường, chấp hành tốt các nội quy, quy định của công ty.
Ngay trước lúc xảy ra điều bất thường vài phút họ vẫn làm việc, chỉ trong nháy mắt, các công nhân "lên đồng" kêu gào, khóc lóc thảm thiết. Tình trạng đó kéo dài suốt mấy giờ đồng hồ, thậm chí, khi đưa về nhà, có người vẫn trong tình trạng tương tự.
Do hoang mang trước hiện tượng này, nên nhiều công nhân và người dân xung quanh tin rằng, sở dĩ xảy ra những hành động bất thường như vậy là do “ma nhập”. Họ suy diễn rằng, trên mảnh đất công ty xây dựng có nhiều mồ mả của người Mường còn sót lại, cộng với công ty làm hương thô, thường xuyên đốt hương để thí nghiệm nhưng không thờ cúng gì, nên ma khát, ma đói ở các nơi khác kéo về hoành hành, nhập vào công nhân gây náo loạn.
Nhưng ở cách đó không xa cũng tại KCN Lương Sơn, một công ty của Hàn Quốc ở rất gần với một nghĩa trang chưa kịp di dời khỏi KCN, nhưng họ vẫn sản xuất bình thường không có hiện tượng ma quỷ gì?.
Nghĩa trang chưa được giải phóng mặt bằng ở gần ngay một công ty Hàn Quốc, trong khuôn viên KCN Lương Sơn
Sau khi hiện tượng lạ xảy ra, lãnh đạo công ty có tổ chức họp công nhân và phân tích nguyên nhân của sự việc là do công nhân Việt Nam có những bức xúc chuyện cá nhân, gia đình lâu ngày tích tụ lại mà không tâm sự được với ai, nên khi đến công ty mới được dịp bung ra, gây nên tình trạng náo loạn.
Một số công nhân thắc mắc: “Công nhân chúng tôi hầu hết đã có gia đình và luôn xác định đi làm là để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con nên không có lý gì lại gây rối, để rồi tự mình đạp đổ bát cơm của mình”.
Một khả năng khác được đưa ra, đó là do công nhân bị sức ép từ cường độ lao động cao trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, cộng thêm môi trường làm hương bụi, độc hại nên có những tác động nhất định đến thần kinh, tâm lý nên sinh ra sự hoang tưởng, hoảng loạn. Trước thông tin này, Phó Tổng giám đốc công ty khẳng định: “Chúng tôi là một công ty hương rất uy tín, được tổ chức bài bản và có môi trường làm việc khá thoải mái so với các công ty khác tại KCN Lương Sơn. Ở đây, các điều kiện sản xuất được bảo đảm, bố trí hợp lý, hài hòa công nhân chỉ làm 8 tiếng một ngày…, mọi tiêu chí đều được tuân theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Chị Nguyễn Thị Th, công nhân tổ đứng máy của công ty cũng xác nhận lại điều này: “Điều kiện làm việc tại công ty khá thoải mái, không áp lực và căng thẳng như các công ty khác trong KCN. Ngày làm 8 tiếng, lúc nào mệt mỏi có thể tạm nghỉ, đi lại trong công ty. Mà ở đây tổ đứng máy là nhàn nhất, chỉ việc đưa que tăm vào máy, để máy trộn vào thành que hương là xong. Hơn nữa, ở đây chúng tôi chỉ làm hương thô (tức hương chưa tẩm nhiên liệu), nên cũng không thấy mùi gì khó ngửi phát ra. Điều lạ là nếu xét tiêu chí độc hại, vất vả là nguyên nhân phát sinh sự việc, thì tổ trộn bột và tổ phơi mới là người bị, đằng này người bị toàn là ở tổ máy…”
Thiếu sự quan tâm của cơ quan bảo vệ người lao động
Chuyện ma quỷ thường hư hư ảo ảo, thật thật giả giả không nhìn thấy, sờ thấy nhưng khi đã đồn thổi sẽ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Bởi phía sau chuyện ma quỷ bao giờ cũng là những vấn đề dân sinh nhức nhối, mê tín dị đoan gây hoang mang dư luận.
Ngoài câu chuyện "ma quấy, quỷ ám" này thì tại công ty sản xuất hương thô ở KCN Lương Sơn cũng có những điểm bất thường về sức khỏe của công nhân. Theo chị Nguyễn Thị Th, thì vào khoảng nửa năm trở lại đây có hiện tượng công nhân của công ty đang làm việc bình thường thì đột nhiên bị ngất. Dù thi thoảng mới xảy ra, nhưng những người ngất đều là những người trong độ tuổi từ 25 – 30.
Nhiều công nhân không tin vào những câu chuyện ma quỷ cho rằng, việc các công nhân làm ca mệt mỏi, thiếu ngủ nghỉ, ăn uống không đảm bảo giờ giấc nên sinh ra mệt mỏi về tâm lý. Chuyện ma quỷ cũng bắt đầu từ đó mà nảy sinh.
Phần lớn công nhân làm việc tại đây đều có trình độ văn hóa không cao, mới chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang sản xuất công nghiệp. Những sự việc xảy ra họ không thể giải thích bằng khoa học, buộc phải tìm cho mình sự lý giải vào “ma quỷ”. Hệ quả là “tiếng dữ đồn xa”, đến các địa phương khác thành câu chuyện "ma nhập", khiến công nhân đánh nhau loạn cả công ty, thậm chí, Giám đốc của công ty cũng bị...ma hành.
Một điều đáng lưu ý, khi trao đổi về sự việc trên với lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Lương Sơn, đơn vị này lại tỏ ra khá bất ngờ, và cho rằng, đây là lần đầu tiên nghe được thông tin này. Lý do là, tuy đóng trên địa bàn huyện, nhưng mọi vấn đề của công nhân có liên quan đến KCN Lương Sơn đều do Công đoàn các KCN tỉnh Hòa Bình phụ trách.
Thật đáng tiếc, trước một vấn đề mà dư luận ồn ào như vậy, mà tổ chức công đoàn ngay ở địa phương, đại diện cho lợi quyền của công nhân viên lao động lại không nắm được thông tin để kịp thời định hướng. Vậy thì, Công đoàn các KCN tỉnh ở xa, liệu có thông tỏ hết các vấn đề của công nhân phát sinh tại KCN?
Thiết nghĩ, công đoàn các cấp của Hòa Bình cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này yên tâm sản xuất.