Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu Học viện Tư pháp quốc gia Canada với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, chiều 11/2, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng đã có buổi họp với Đoàn để trao đổi và thảo luận về các giai đoạn của Dự án Phát triển năng lực tư pháp Việt Nam - Canada (JCDP).
Cùng tham gia buổi họp có ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC); ông Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; ông Lê Hữu Du, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tòa án TANDTC.
Về phía Đoàn đại biểu Học viện Tư pháp quốc gia Canada có ông Tom Crabtree, Thẩm phán, Giám đốc Ban quản trị tư pháp; bà Danielle May-Cuconato, Giám đốc điều hành; bà Pamela Tripp, Giám đốc Hợp tác quốc tế và đại diện một số đơn vị thuộc Học viện.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cảm ơn ông Tom Crabtree cùng các thành viên của Đoàn công tác đã đến và làm việc với TANDTC Việt Nam nhân dịp đầu xuân năm 2025.
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đánh giá cao việc Chính phủ Canada tài trợ Dự án “Phát triển năng lực tư pháp Việt Nam - Canada” cho TANDTC Việt Nam với ngân sách 8 triệu đô la Canada.
“Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn lãnh đạo và các cộng sự của Học viện tư pháp quốc gia Canada đã nỗ lực trong quá trình xây dựng hồ sơ, tiến hành các thủ tục đấu thầu để có được Dự án”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng bày tỏ.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về mô hình quản lý Dự án JCDP. Theo đó, Dự án JCDP sẽ thành lập Ban chỉ đạo Dự án và Ban quản lý Dự án; đồng thời đề xuất chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và thành phần tham gia đối với các đơn vị này.
Thảo luận về quy trình thông qua Dự án JCDP tại Việt Nam, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng khẳng định TANDTC Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ để đảm bảo Văn kiện Dự án được xây dựng phù hợp, việc thông qua Dự án tuân thủ đúng quy trình và tiến độ.
Về nguyên tắc điều phối Dự án, Vụ Hợp tác quốc tế Việt Nam là cơ quan điều phối các hoạt động của Dự án theo quy định của Thông tư số 02/2024/TT-TANDTC ngày 31/12/2024 của TANDTC Việt Nam, do đó Vụ Hợp tác quốc tế sẽ là đầu mối trong việc tiếp nhận, thực hiện Dự án và điều phối hoạt động tới các đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia Học viện Tư pháp quốc gia Canada, dự kiến Dự án JCDP sẽ bao gồm 3 cấu phần chính, gồm: (1) Đào tạo Thẩm phán; (2) Nâng cao năng lực đào tạo Thẩm phán, cán bộ Tòa án; (3) Tạo cơ hội cho sự gia tăng vai trò lãnh đạo của các Thẩm phán nữ.
Dự án JCDP đào tạo được 500 Thẩm phán và nhân viên Tòa án; trang bị cho 200 giảng viên chương trình và công cụ giảng dạy mới; cung cấp cơ hội nâng cao khả năng lãnh đạo cho 100 nữ Thẩm phán.
Cũng theo chia sẻ đề xuất từ các chuyên gia Học viện Tư pháp quốc gia Canada, các điểm chính Dự án gồm các hoạt động: các mô-đun đào tạo trực tiếp giữa Thẩm phán Canada và Thẩm phán Việt Nam; Tòa án thí điểm, quan sát các phiên xét xử và liên hệ với nội dung đào tạo.
Đào tạo chuyên sâu cho cán bộ Tòa án về phương pháp đào tạo của NJI, đặc biệt về giới và phương pháp lồng ghép giới sử dụng tại Canada và các quốc gia khác; các chuyến tham quan học tập cho TANDTC tại các tổ chức đào tạo tư pháp ở Canada và Đông Nam Á; Chương trình tư vấn và hỗ trợ cho nữ Thẩm phán, cơ hội tham gia hội thảo và sự kiện về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực tư pháp.
Mục tiêu tổng thể của Dự án Phát triển năng lực tư pháp Việt Nam - Canada (JCDP) là hỗ trợ thúc đẩy sự hội nhập của nền tư pháp Việt Nam vào hệ thống tư pháp dựa vào pháp quyền theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý một cách bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Ba mục tiêu cụ thể của Dự án bao gồm: (1) Tăng cường áp dụng các biện pháp thúc đẩy tiếp cận công lý bình đẳng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ vị thành niên; (2) Cải thiện việc cung cấp đào tạo tư pháp có tính đến yếu tố về giới và; (3) Cải thiện sự lãnh đạo và đại diện của nữ Thẩm phán trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Về tổng quan, các hoạt động của Dự án sẽ tập trung vào công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2025 đến năm 2029.