Thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật và người cao tuổi: Luật đã đi vào cuộc sống

Hương Lan| 09/12/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thảo với chủ đề “Giải pháp sáng tạo thúc đẩy hòa nhập dành cho người khuyết tật và người cao tuổi” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo do Phòng Kinh tế và Thương mại - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar cho biết: Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm của Israel trong việc giải quyết các nhu cầu của  người cao tuổi và người khuyết tật thông qua các mô hình, giải pháp xã hội sáng tạo và công nghệ tiên tiến cũng như chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (CRPD).

Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và Israel đã cùng nhau trao đổi, tập trung đánh giá thực trạng người cao tuổi và khuyết tật cũng như giới thiệu các mô hình xã hội, các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực này. Thông qua bài thuyết trình với chủ đề “Hòa nhập: Thúc đẩy quyền bình đẳng của người khuyết tật tại nước Israel”, ông Ahiya Kamara – Chủ nhiệm Ủy ban về các quyền bình đẳng của Người khuyết tật Israel đã chia sẻ với các đại biểu Việt Nam về thực trạng người khuyết tật cũng như một số kinh nghiệm nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng của người khuyết tật tại Israel.

Thay mặt UNFPA tại Việt Nam, bà Ritsu Nacken  cho biết: Theo thống kê, người cao tuổi  luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người khuyết tật và thường là đa khuyết tật, nguyên nhân chính là do sự giảm thiểu các chức năng hoạt động của con người và một số bệnh của người cao tuổi. Già hóa dân số là một trong những xu hướng có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21, có tác động mạnh mẽ đến rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội của các quốc gia, trong đó có cả các nước với dân số trẻ như Việt Nam.

 Xu hướng già hóa dân số đã bắt đầu xảy ra tại Israel từ 2009. Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt vì hiện nay đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, đồng thời tốc độ già hóa dân số rất nhanh (10% dân số là người cao tuổi). Bởi vậy, việc đặc biệt quan tâm đến đối tượng người cao tuổi là rất cần thiết. Bà Ritsu Nacken khẳng định: Người cao tuổi là người có ích chứ không phải là gánh nặng hay tốn kém cho xã hội. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi quá muộn bằng cách quy hoạch và xây dựng hệ thống bảo vệ, chăm sóc thích hợp cũng như cung cấp các hỗ trợ kịp thời, phát triển kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi. Khi người cao tuổi đảm bảo được thu nhập hay có tiết kiệm, thậm chí có thể tạo được "thị trường bạch kim", giống như chúng ta thấy ở một số nước có dân số siêu già.

Thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật và người cao tuổi: Luật đã đi vào cuộc sống

Người khuyết tật được đảm bảo quyền bình đẳng

 Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: Việt Nam có một hệ thống chính sách, pháp luật toàn diện đối với người khuyết tật và người cao tuổi, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, người cao tuổi. Chính sách pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi đã tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật, người cao tuổi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Huân: Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

 Quá trình tổ chức thực hiện Luật Người khuyết tật trong những năm qua cho thấy, Nhà nước, gia đình và xã hội đã nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cũng như những quyền, lợi ích đặc thù của người khuyết tật trên nhiều mặt nhằm khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật trong hòa nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hòa nhập xã hội đối với người khuyết tật…

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Các quy định của Luật Người khuyết tật nhìn chung đã đi vào cuộc sống và có tác động tích cực như các chính sách bảo trợ xã hội, giáo dục hòa nhập, tham gia giao thông... nhưng cũng còn những chính sách thực hiện còn hạn chế như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng… bảo đảm tiếp cận đối với người khuyết tật.

 Đối với người cao tuổi, đến năm 2014, cả nước có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,5% dân số, đặc biệt có hơn 1,8 triệu người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên, chiếm 19,3% tổng số người cao tuổi. Năm 2015 đã có 22.659 người cao tuổi tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi được Chủ tịch nước gửi thiếp, quà mừng thọ.

Trong những năm qua, các quyền, nghĩa vụ của người cao tuổi được bảo đảm ngày càng tốt hơn thông qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án và phong trào về người cao tuổi. Luật Người cao tuổi đã được các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và cán bộ trực tiếp thực hiện chính sách tại các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Việc thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ trực tiếp thực hiện chính sách, tạo được sự đồng tình ủng hộ cao trong nhân dân và người cao tuổi. Các quy định của Luật nhìn chung đã đi vào cuộc sống và có tác động tích cực trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Tuy nhiên, việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo hơn nữa quyền của người cao tuổi và người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật và người cao tuổi: Luật đã đi vào cuộc sống