Thừa Thiên-Huế: Lũ “ngâm” kéo dài, đạt đỉnh lũ lịch sử 1999

Ngọc Minh| 12/10/2020 20:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mưa to, có nơi rất to trên diện rộng làm lũ lụt kéo dài ở TT-Huế đã làm 4 người tử vong, hơn 58.000 nhà dân bị ngập nặng, hàng ngàn ha nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, nước sông đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Mực nước sông Hương và các sông đang lên nhanh, vượt mức báo động III; đặc biệt, tại sông Bồ nước đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Nhiều vùng ở TT-Huế vẫn đang bị ngập sâu, có nơi gần 2m, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe thuyền.

Các hồ ở Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, thủy điện Hương Điền xả về hạ du 3.410 m3/giây, Bình Điền 1.916 m3/giây. Còn hồ thủy lợi Tả Trạch 1.296 m3/giây.

Thừa Thiên-Huế: Lũ “ngâm” kéo dài, đạt đỉnh lũ lịch sử 1999

 Nhiều tuyến đường trên thành phố Huế còn ngập sâu.

Đến nay, lũ lụt ở TT-Huế đã làm 4 người tử vong, toàn tỉnh có hơn 58.000 nhà dân bị ngập từ 0,5-1,8m, một số nơi ngập sâu hơn; 8 ngôi nhà dân bị sập, tốc mái; mưa lũ cũng đã làm chia cắt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, sạt lở nặng. Mưa lũ đã làm 286 ha hoa màu, 105 ha sắn, 73.400 chậu hoa cúc vụ tết và 2.000ha thủy sản bị thiệt hại. Ảnh hưởng của sóng biển và triều cường hơn 10km bờ biển ở Huế tiếp tục bị sạt lở nặng, một số công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng.

Trước tình hình mưa lũ còn phức tạp, sáng 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó lũ lụt trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế khẳng định, việc điều tiết hồ đập trong những ngày qua là phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân. Những kinh nghiệm đối phó với mưa lũ trong thời gian qua là cơ sở để tỉnh chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng chống với mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu: “Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét”.

Tỉnh TT-Huế đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục phương tiện để tiến hành di dời người dân nơi vùng nguy hiểm, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại do mưa, lũ.

Thừa Thiên-Huế: Lũ “ngâm” kéo dài, đạt đỉnh lũ lịch sử 1999

Lãnh đạo tỉnh TT-Huế đến chỉ đạo và tặng lương thực cho người dân vùng lũ.

Vào chiều tối 12/10, Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (đóng ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) để có phương án hỗ trợ các công nhân đang bị mắc kẹt tại đây.

Theo đại diện Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, do khu vực này không có sóng di động nên hiện chưa thể cập nhật được thông tin vụ việc. Hiện các lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận hiện trường.

Trước đó, vào trưa cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh TT-Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà có hơn 10 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3. Sau khi nhận tin, lãnh đạo tỉnh TT-Huế đã gọi lại cho người cung cấp tin nhưng không liên lạc được.

Được biết, thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008. Nhà máy thủy điện có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên-Huế: Lũ “ngâm” kéo dài, đạt đỉnh lũ lịch sử 1999