Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM.
Công điện nêu rõ, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tuần qua, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và TP.HCM có xu thế tăng theo kỳ triều cường, ranh mặn tại các cửa sông Cửu Long từ 38 - 48 km, sông Vàm Cỏ từ 45 - 52 km, sông Cái Lớn từ 35 - 40 km (mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 từ 03 đến 08 km; thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và 2020 từ 25 đến 44 km).
Tại TP.HCM, xâm nhập mặn thấp hơn cùng kỳ năm 2024 và trung bình nhiều năm. Dự báo, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và TP. HCM sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 - 4/2025, có thể đạt ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020.
Thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để chủ động ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của những đợt xâm nhập mặn cao điểm trong thời gian tới tại các địa phương vùng ĐBSCL và TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL và TP. HCM tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 08/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo theo dõi sát diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực ven biển ĐBSCL, triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp;
Tập trung triển khai các phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt…
Thủ tướng Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này và tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với tình hình.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Nhằm chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, ngày 17/2, Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức vận hành cửa van công trình cống âu thuyền Rạch Mọp (thuộc dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu).
Cống âu thuyền Rạch Mọp có vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án thủy lợi này nằm trên sông Rạch Mọp (cách sông Hậu khoảng 500m), tại vị trí giáp ranh của xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú) của tỉnh Sóc Trăng.
Cống có chiều rộng thông nước 85m, 2 khoang cống (mỗi khoang rộng 35m) và 1 âu thuyền (rộng 15m), cùng các công trình phụ trợ khác. Cửa van cống âu Rạch Mọp bằng thép, được đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cống có hệ thống quan trắc, giám sát tự động…
Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10, đến nay công trình cống âu Rạch Mọp đã thực hiện đạt 92,16% khối lượng gói thầu. Thời gian qua, chủ đầu tư và nhà thầu rất nỗ lực tăng ca, làm thêm giờ để hoàn thành lắp đặt cơ khí cửa van cống, xi lanh thủy lực.
Qua đó, kịp thời đảm bảo công tác phòng, chống hạn mặn, phục vụ sản xuất, dân sinh mùa khô năm 2024 - 2025. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành toàn bộ và bàn giao đưa vào sử dụng trước 30/4/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, công trình cống âu Rạch Mọp hoàn thành sẽ giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng diện tích tự nhiên 19.220ha trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP. Sóc Trăng.
Đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiên 36.710ha địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Châu Thành, TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), tăng khả năng luân chuyển dòng chảy, nâng cao hiệu quả tháo chua, rửa phèn và tiêu thoát nước, cải thiện môi trường vùng dự án.