Cho biết đã dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.
Thủ tướng: Quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây
Chiều 30/1, tại Cần Thơ, sau khi đi kiểm tra hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, nhất là vấn đề nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án.
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; cùng các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các Đại hội Đảng toàn quốc gần đây đã xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tới 2025 có 3.000 km cao tốc và tới 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc.
Trong nhiệm kỳ này, đến nay, Chính phủ đã bố trí được khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước, từ nhiều nguồn gồm đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội.
Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL.
Nêu rõ ĐBSCL có 2 "nút thắt" phát triển về hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng cho biết chúng ta dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa. Thủ tướng cũng cho biết ý tưởng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó dự kiến sẽ làm trước đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.
Do hạn chế về hạ tầng, chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản khu vực ĐBSCL tăng cao. Việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu; mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương".
Vào tháng 5/2021, tại Cần Thơ, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, khẳng định quyết tâm xây dựng các tuyến cao tốc. Đến nay, sau gần 2 năm, chúng ta đã biến quyết tâm thành hành động, có các quy hoạch, kế hoạch rất rõ ràng, bố trí được kinh phí, xây dựng các dự án được các cấp có thẩm quyền thông qua và đang triển khai rất quyết liệt. Với đột phá về hạ tầng giao thông và đột phá về nhân lực, chúng ta tin tưởng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Từ tầm quan trọng như vậy, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Quan điểm chỉ đạo là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, làm càng sớm càng có lợi", người đứng đầu Chính phủ phát biểu.
Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT, các cơ quan liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực, huy động tối đa điều kiện có thể để chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc và đến thời điểm này chúng ta có thể hài lòng với công tác chuẩn bị, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng lưu ý, với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền/chủ đầu từ các dự án cao tốc, cùng với phân bổ nguồn lực phù hợp, các địa phương phải nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tổ chức hội nghị với các địa phương để trao đổi kinh nghiệm.
Chọn nhà thầu bảo đảm công khai, minh bạch
Về lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ GTVT phân công một Thứ trưởng phụ trách các dự án trong khu vực để phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư khẩn trương, chất lượng, khoa học, chặt chẽ, đúng quy định, sát thực tế, bảo đảm yêu cầu. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2023 để khởi công đồng loạt các dự án còn lại. Bộ GTVT hướng dẫn về chỉ định thầu theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; đồng thời sửa đổi tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu bảo đảm công khai, minh bạch.
Khẳng định công tác giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án, nhưng cũng là vấn đề nan giải nhất với các dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để "thông" tư tưởng người dân, nếu còn vướng mắc thì đối thoại, không để mất trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm sinh kế người dân, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh... tại các khu tái định, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và nhân cơ hội này tiến hành tái cơ cấu các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Thủ tướng yêu cầu các thủ tục lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, không chia nhỏ các gói thầu, chống lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Các cơ quan tư vấn phải làm đúng quy trình, quy định, với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, tinh thần là tập trung nguồn lực để làm cao tốc ra cao tốc, làm tới đâu dứt điểm tới đó, tránh vừa làm xong đã phải làm lại dẫn tới lãng phí nguồn lực, thời gian.
Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi nhất cho nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, tổ chức công việc khoa học, triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn bất hợp lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời quan tâm đời sống công nhân, không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên vật liệu cho các dự án, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước, của nhân dân nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Các địa phương tăng cường phối hợp, nếu địa phương nào không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để xử lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong thứ tự ưu tiên cho các dự án. Các bộ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, thí điểm việc dùng cát biển cho các dự án cao tốc trên cơ sở khoa học.
Các dự án cao tốc đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; các địa phương cần khẩn trương xây dựng các dự án xây dựng các tuyến kết nối, trình cấp có thẩm quyền quyết định và nhanh chóng triển khai. Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng các nút giao phù hợp để khai thác tốt nhất quỹ đất và không gian phát triển mới do các tuyến cao tốc tạo ra.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn, dứt khoát không để thiếu vốn với những dự án đã được phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, khẩn trương triển khai các công việc, giải quyết các vướng mắc, tránh thủ tục, giấy tờ không cần thiết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên kỹ sư, công nhân thi công Dự án cầu Mỹ Thuận 2
Trước đó trong sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tới kiểm tra công trường thi công cầu Mỹ Thuận 2 kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc dự án tuyến cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020; kiểm tra dự án Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án Cần Thơ – Cà Mau (tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025), thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân tham gia dự án và người dân khu tái định cư.