Thủ tướng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018

Xuân Lan| 05/11/2018 14:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng khẳng định, là nước láng giềng hữu nghị thân thiết, Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết, phát triển quan hệ hợp tác, ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển bền vững, cùng có lợi.

Thủ tướng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018

Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc

Sáng nay, 5/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (China International Import Exposition-CIIE 2018) và Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Việt Nam chào đón, hoan nghênh các DN hợp tác, phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức Hội chợ thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng trưởng, Cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng quốc gia, từng doanh nghiệp và từng người dân, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cũng như các thách thức mới đan xen nhau. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần đối thoại, tăng cường lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc trong 40 năm cải cách mở cửa cũng như việc tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là nước láng giềng hữu nghị thân thiết, Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết, phát triển quan hệ hợp tác, ổn định, mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển bền vững, cùng có lợi. “Chúng tôi ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với WTO là nền tảng; ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Dẫn câu tục ngữ Việt Nam “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” với ngụ ý nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là ngọn nguồn của sức mạnh và thành ngữ Trung Quốc “một cây không làm nên cánh rừng” với ý nghĩa tương tự, Thủ tướng nêu rõ: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia khó có thể tự mình phát triển, nếu không mở cửa hội nhập, liên kết để cùng nhau tạo nên những “ngọn núi cao”, những “cánh rừng lớn” của phát triển.

Tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần này, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam tham gia giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng điện tử tiêu dùng,...

“Tôi mong rằng, qua Hội chợ này, doanh nghiệp các nước sẽ hiểu nhiều hơn về sản phẩm, tiềm năng phát triển của Việt Nam và cùng thúc đẩy hợp tác thương mại cân bằng, bền vững, cùng có lợi”, Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và các tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi chào đón các bạn và hoan nghênh các bạn hợp tác, phát triển thành công tại Việt Nam”.

Các bên đều được hưởng lợi, cân bằng và cùng thắng

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Hội chợ CIIE 2018 thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường với thế giới; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng thông qua việc tổ chức Hội chợ nhập khẩu để cùng các nước chung tay xây dựng diễn đàn mới về hợp tác kinh tế thương mại, cùng giữ gìn thể chế thương mại đa phương và toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển theo hướng cởi mở và bao trùm hơn, các bên đều được hưởng lợi, cân bằng và cùng thắng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy cùng mở cửa toàn cầu, trước sau như một là nguồn động lực ổn định cho tăng trưởng kinh tế thế giới, là thị trường lớn hướng đến các nước; sẽ đẩy mạnh mở cửa trên các mặt, chủ động mở rộng nhập khẩu, nới lỏng tiêu chuẩn mở cửa thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh hàng đầu trên cơ sở tôn trọng thông lệ kinh doanh quốc tế, thúc đẩy hình thành cục diện mới về cải cách mở cửa ở tầm cao mới, thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương, khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, uy tín của Trung Quốc đầu tư hợp tác tại các nước dọc tuyến Vành đai và Con đường.

Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải là một trong 4 sự kiện đối ngoại lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2018. Hội chợ lần này có sự tham gia của 18 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước và hơn 3.000 doanh nghiệp đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với vai trò “Quốc gia danh dự”, Việt Nam đã tổ chức khu gian hàng quốc gia; cử 25 doanh nghiệp uy tín, chất lượng, có năng lực xuất khẩu tốt thuộc 2 nhóm ngành hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ thương mại tham dự Hội chợ như thủy sản Cửu Long An Giang, thực phẩm Sa Giang, thực phẩm Hapro (Tập đoàn BRG), đơn vị đang giao dịch với hơn 30 khách hàng lớn tại thị trường Trung Quốc với gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Trong khuôn khổ Hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi với các đối tác của Trung Quốc và các nước tham dự để mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phía Việt Nam cho rằng hai bên có tiềm năng hợp tác trên cả 5 lĩnh vực kết nối (chính sách, hạ tầng, tài chính, thương mại, con người) đã nêu trong MOU.

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã nhân dịp tham dự CIIE 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số vấn đề Việt Nam-Trung Quốc cần tập trung để tăng cường sự kết nối giữa sáng kiến “Vành đai, Con đường” với Kế hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn nữa cho nhân dân hai nước. 

Một là, tích cực thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được nhập khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc, nhất là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Trung Quốc có nhu cầu, như hàng nông sản, thuỷ sản, hoa quả, hàng điện tử tiêu dùng...

Hai là, doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng và tiến độ, nhất là các dự án được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm, qua đó tạo hình ảnh tốt, uy tín của đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam.

Ba là, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018