Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Xuân Lan| 18/10/2020 20:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Giới chính trị và học giả hai nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này.

Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới sân bay Nội Bài lúc 17h50 hôm nay (18/10)bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/10/2020Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 18/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân Suga Mariko tại sân bay quốc tế Nội Bài có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; đại diện cơ quan Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ... Về phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Đoàn chính thức của Nhật Bản thăm Việt Nam còn có: Ông Sakai Manabu, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản; ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Izumi Hiroto, Cố vấn đặc biệt Thủ tướng Nhật Bản; ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt Thủ tướng Nhật Bản; ông Kitamura Shigeru, Trưởng Ban thư ký Hội đồng an ninh Quốc gia; ông Takaba Yo, Thư ký điều hành của Thủ tướng Nhật Bản; ông Mori Takeo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Sau nghi lễ tiếp đón tại sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân lên xe di chuyển về trung tâm Hà Nội.

Việc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam lần này là cơ hội khẳng định với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam an toàn, hiệu quả trong đối phó dịch COVID-19 đồng thời đề cao thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại, quyết tâm hội nhập quốc tế của Việt Nam

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã trở thành kiểu mẫu

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước được đánh giá đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Vì vậy, giới chính trị và học giả hai nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này.

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973. Trong hai thập niên gần đây, quan hệ Việt-Nhật đã phát triển hết sức tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực nhờ sự tương đồng về văn hóa và các lợi ích chiến lược. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Đáng chú ý, hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 40 tỷ USD; là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.595 dự án và tổng số vốn đăng ký đến tháng 9/2020, đạt gần 59.870 tỷ USD; và là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” vào năm 2002 lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2006, “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009 và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” vào năm 2014.

Trước thềm chuyến thăm chính thức VIệt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, đánh giá về sự phát triển quan hệ hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: “Trong 47 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản."

Đáng chú ý, theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, trong hơn 10 năm qua, nhất là dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, tất cả các số liệu về sự hợp tác giữa hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân. Điều đó cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.

Nhật Bản khẳng định tiếp tục coi trọng vai trò của Đông Nam Á, ASEAN

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, diễn ra một tháng sau khi nhậm chức. Ông Suga Yoshihide cũng là vị thủ tướng Nhật Bản thứ hai liên tiếp, lựa chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho rằng đây đúng là điểm trùng hợp thú vị khi ông Suga Yoshihide quyết định chọn Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản được 1 tháng. Trước đây ông Abe Shinzo cũng đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm vào tháng 1/2013, tức là cũng chỉ trong vòng 1 tháng sau khi lên cầm quyền. Sự trùng hợp thú vị này phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng gần gũi hơn bao giờ hết.

Sự gần gũi, tương đồng này không chỉ ở trong quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, mà còn được phản ánh ở cả cấp độ khu vực và quốc tế khi hai nước cùng chia sẻ những lợi ích và lập trường chung trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như các vấn đề về an ninh khu vực, về tự do hoá thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và quốc tế…

Chính vì vậy, việc tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam và tiếp đó là Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, không đơn thuần là ngẫu nhiên, mà theo tôi đánh giá đã có sự tính toán kỹ lưỡng.

Thứ nhất, tân Thủ tướng Nhật Bản muốn khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư khi các nước vừa đang ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa đang tích cực chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19. Chúng ta đều biết là Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra những chính sách nhằm đa dạng hoá nguồn cung ứng sản xuất, trong đó Việt Nam và Đông Nam Á cũng là một địa điểm mà nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hướng tới.

Thứ hai, chuyến thăm cũng là dịp để Chính phủ mới của Nhật Bản khẳng định tiếp tục coi trọng vai trò của Đông Nam Á, của ASEAN và Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình nói chung cũng như trong chính sách kết nối Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mà Nhật Bản đã nêu ra từ năm 2007 đến nay. Việt Nam hiện đang là Chủ tịch của ASEAN, đồng thời lại là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vì thế Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng để tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định chính sách của mình với khu vực, khẳng định Nhật Bản tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực và cũng hy vọng tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đưa ra những biện pháp chính sách mới nhằm củng cố quan hệ Nhật Bản-ASEAN và hỗ trợ các sáng kiến kết nối trong ASEAN nói chung, trong tiểu vùng sông Mekong nói riêng, chuẩn bị cho sự tham gia của Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và các hội nghị liên quan khác vào tháng 11 tới.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ diễn ra vào ngày mai (19/10) tại Phủ Chủ tịch. Trong chương trình dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ cùng hội đàm, chứng kiến ký kết văn kiện và gặp gỡ báo chí.

Cũng theo lịch trình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt - Nhật Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng có dự kiến gặp gỡ nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Việt - Nhật, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn, đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam