Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội diễn ra sáng nay (7/12), Thủ tướng quán triệt tinh thần “nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp” và cho rằng phải có nhiều phương thức làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ là phải quan tâm đến đời sống của người dân, trong đó có việc ăn, ở, mặc và đi lại. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.
Để cụ thể hóa điều này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã nêu, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên. Chính phủ cũng đã có Chiến lược quốc gia về nhà ở giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tấm đến việc đảm bảo nhà ở xã hội cho người dân.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị đánh giá lại những việc đã làm được trong xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua, đưa ra những mô hình đã làm tốt để nhân rộng trong phạm vi cả nước. Và đặc biệt có cơ chế chính sách để các đơn vị có chức năng có thể làm nhà ở xã hội, phục vụ cho phân khúc thị trường quan trọng mà nhu cầu nhân dân lớn. Nhất là đối với người nghèo, hộ gia đình chính sách, công nhân.
Thủ tướng đặt vấn đề, các địa phương có đồng ý bố trí vị trí đất thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội hay không? Cùng với đó phải hoàn thiện hạ tầng điện, nước, dịch vụ; duyệt quy hoạch và thiết kế phải tốt. Thủ tướng hoan nghênh một số tập đoàn, tổng công ty đang chủ trương phát triển các dự án nhà ở xã hội thời gian tới với số lượng lớn.
Lấy ví dụ dự án Nhà ở xã hội do Viglacera làm chủ đầu tư, Thủ tướng chỉ rõ "Có thể nói đây là khu rất điển hình, không chỉ là cách làm như nhà ở thương mại có, nhà ở cho thuê có, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người nghèo, người nghỉ hưu, tuổi cao chiếm tỷ lệ rất cao. Ở đó, người ta đã quy hoạch, thiết kế và xây dựng được một thiết chế văn hóa cho người dân trong một cộng đồng dân cư đoàn kết, an ninh trật tự tốt”, Thủ tướng nói. “Chúng ta rút ra điều gì từ việc làm khu Đặng Xá này?”.
“Chính sách pháp luật cơ bản đã có, câu hỏi đặt ra là địa phương các đồng chí có làm không, có quyết tâm chính trị trong Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, trong UBND để triển khai cụ thể không. Các bộ, ngành Trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không”, Thủ tướng nhấn mạnh: Địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình này, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn thuận lợi cho nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần “nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp” và cho rằng phải có nhiều phương thức làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trước tiên lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải lo vấn đề này, “chứ không chỉ lo sản xuất mà phải lo cho đời sống công nhân”.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển cho nhà ở xã hội. Giao một đầu mối chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tham mưu ban hành và đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới, giảm giá thành, đề xuất giải pháp, cơ chế, nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở xã hội nói chung, trong đó có nhà chống lũ hộ nghèo miền Trung nói riêng.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi.
Các địa phương và Trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, bảo đảm các điều kiện hạ tầng thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở theo quyết định của Thủ tướng đã ban hành.
Thủ tướng yêu cầu khu đô thị có một tỷ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại với nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng vận động nguồn lực trợ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%. |