Sáng 8/8/2021, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến các doanh nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim. Nhấn mạnh, đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, lãnh đạo Chính phủ nhắn nhủ đội ngũ doanh nhân “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng cho biết, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn… Gửi lời cảm ơn đến các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức” và nhắn nhủ các doanh nhân, doanh nghiệp: “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, khiến cho những mảng “màu xám” loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Đặc biệt, dịch đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Cho rằng Việt Nam đang ở giữa 2 cuộc chiến, gồm chống dịch để bảo vệ sinh mạng và cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. “Hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này theo chúng tôi, chính là tìm mọi cơ hội có thể, để có thể nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh, luồng xanh, mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể”, ông Lộc kiến nghị.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung thủy sản đã xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản đã phải gác lại nhiều đơn hàng, hiện tượng mất đơn hàng đã xuất hiện do sản xuất không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế VASEP đề nghị có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông, đồng thời, không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung.
Gỡ khó khăn cho DN
Trả lời ý kiến mà đại diện các doanh nghiệp nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu không thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, không duy trì giao thương thì không chỉ mất thu nhập, khả năng chống chịu với dịch bệnh mà lớn hơn là mất thị trường. “Tổng cầu trên thế giới đang phục hồi rất nhanh và chúng ta không khéo thì sẽ bị tụt hậu”. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, ông Diên khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.
Về việc ách tắc giao thông tại một số tỉnh miền Bắc đặc biệt là tại Hải Phòng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, đồng thời khẳng định với những văn bản đã được ban hành, không một hàng hóa nào lưu thông trên thị trường bị cản trở. Tương tự, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Chính phủ, Thủ tướng không có bất kỳ một văn bản nào về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều địa phương hiểu và áp dụng chưa đúng, máy móc. Thậm chí, tại các nơi phong tỏa, giãn cách, Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh thêm việc phải bảo đảm hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định, bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho biết, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vắc-xin cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Cùng với đó, điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động.