Chứng kiến nhiều nhà đầu tư cam kết số vốn đầu tư lớn vào Vĩnh Long, Thủ tướng nêu rõ cam kết phải đi đôi với làm, không triển khai chậm trễ, không để tình trạng “ký kết thì rầm rộ, số lượng nhiều nhưng triển khai chẳng được bao nhiêu”.
Thủ tướng trò chuyện với các nhà đầu tư tham dự
Sáng 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh Vĩnh Long.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước sự tham dự đông đảo của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ấn tượng về khát vọng phát triển, quyết tâm đổi mới của Vĩnh Long thông qua sự kiện này. Đây cũng là bài học chung cho các địa phương khác.
Thành tích của Vĩnh Long là đáng khích lệ
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi lãnh đạo nhiều địa phương trong vùng tham dự để liên kết, hợp tác cũng như về số lượng dự án, biên bản, thỏa thuận đầu tư được ký kết rất lớn gồm 32 dự án với số vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng và số tiền các nhà tài trợ dành cho an sinh xã hội lên tới 340 tỷ đồng, có thể làm được 6.000-7.000 ngôi nhà cho người nghèo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá tỉnh đã định hướng thu hút đầu tư đúng, tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; du lịch sinh thái.
Khái quát về tiềm năng của Vĩnh Long qua các câu thơ: “Vĩnh Long cây trái xum xuê/Sông ngòi chằng chịt, bốn bề đồng xanh”, Thủ tướng cho rằng tỉnh còn có nhiều tuyến quốc lộ đi qua và giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành tuyến cao tốc Sài Gòn-Trung Lương-Cần Thơ, nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ tới Cà Mau cũng như các loại hình giao thông khác. Vĩnh Long “địa lợi”, đất lành là như thế, Thủ tướng nói.
Về nhân hòa, Thủ tướng cho rằng “Vĩnh Long là xứ địa linh, đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng”. Tỉnh có nhiều người tài giỏi trong các lĩnh vực khoa học, văn học, y học, vang danh cả trên trường quốc tế. Theo Thủ tướng, đây là tài nguyên cần phát huy.
Cho rằng những thành tích vừa qua của Vĩnh Long là đáng khích lệ, Thủ tướng nhìn nhận, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh đã theo sát chỉ đạo của Chính phủ, đó là quan tâm phát triển cả số lượng, chất lượng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất khi nhiều hợp tác xã kiểu mới ra đời, phát triển tại Vĩnh Long.
Phát triển nhanh về số lượng và chất lượng doanh nghiệp
Gợi mở tầm nhìn cho Vĩnh Long, Thủ tướng đề nghị tỉnh phấn đấu trong thập niên tới đưa Vĩnh Long trở thành một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước, với quy mô nền kinh tế và thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần; có mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh và du lịch sinh thái. Đây là những thế mạnh riêng có của Vĩnh Long, điều mà không phải tỉnh nào cũng có được.
Muốn hiện thực hóa tầm nhìn này, theo Thủ tướng, Vĩnh Long cần đặt mục tiêu gia nhập vào nhóm các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, hiện nay có Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng nêu rõ Vĩnh Long phải khắc phục cho được các tồn tại, bất cập như có tiềm năng lớn nhưng phát triển dưới mức tiềm năng. Đặc biệt, doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, bình quân 405 người dân mới có 1 doanh nghiệp, gấp 2,7 lần so với bình quân cả nước. Điều này cho thấy môi trường cho phát triển doanh nghiệp tại chỗ còn nhiều khó khăn và cả nhà đầu tư chưa thấy hết tiềm năng, lợi thế nơi đây để đầu tư nhiều hơn. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của Vĩnh Long là phải phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về vốn và công nghệ, có tầm nhìn thấu suốt các tiềm năng, điều kiện độc đáo của Vĩnh Long để cùng hợp tác phát triển.
Theo Thủ tướng, muốn đón được nhiều nhà đầu tư lớn cần thực hiện những điều kiện gồm: Các cấp chính quyền cầu thị, lắng nghe, đổi mới và hành động để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; chính quyền kỷ cương, kiến tạo, liêm chính, hành động, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có cơ sở hạ tầng điện nước, giao thông hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển.
Vĩnh Long cần nâng cấp chất lượng giáo dục, đưa lên tốp đầu cả nước trong thập niên tới, tạo cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. Phải tích hợp chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Cần vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết căn cơ vấn đề tiếp cận vốn của nông dân.
Nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đưa ra khái niệm liên kết 6 nhà: Nhà nông-Nhà nước-nhà đầu tư-nhà băng-nhà khoa học-nhà phân phối và nhấn mạnh “làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thành công”.
Cam kết phải đi đôi với làm
Chứng kiến nhiều nhà đầu tư cam kết số vốn đầu tư lớn vào Vĩnh Long, Thủ tướng nêu rõ cam kết phải đi đôi với làm, không triển khai chậm trễ, không để tình trạng “ký kết thì rầm rộ, số lượng nhiều nhưng triển khai chẳng được bao nhiêu”. Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải thu hồi các dự án không triển khai và xem xét những dự án triển khai kéo dài; bảo đảm tính bền vững trong đầu tư với 3 trụ cột hiệu quả kinh tế-môi trường bền vững-xã hội hài hòa, tiến bộ.
“Tôi tin tưởng chính quyền Vĩnh Long sẽ tiếp tục bám sát, theo đuổi tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư”, Thủ tướng nói và kỳ vọng sau Hội nghị này, Vĩnh Long sẽ là điểm lý tưởng để các nhà đầu tư đến làm ăn và các nhà đầu tư sẽ cảm nhận được các cơ hội, cảm nhận được Vĩnh Long đang chuyển mình mạnh mẽ.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, giữ môi trường hòa bình để các nhà đầu tư yên tâm.
Nhân dịp lãnh đạo nhiều địa phương vùng ĐBSCL tham dự Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL nói chung phải xác định triết lý phát triển dựa trên 3 trụ cột. Một là, giữ vững màu xanh và phát triển xanh, không giữ được môi trường thì ĐBSCL không còn là kho báu. Hai là, chú trọng hơn nữa nguồn vốn con người, đây cũng là động lực để vươn lên khi nguồn nhân lực hiện là điểm nghẽn trong phát triển vùng. Ba là, phát huy tính kết nối, liên kết vùng.