Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công du nước ngoài với hơn 50 hoạt động trong 9 ngày tại ba quốc gia.
Sáng nay (29/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nga tổ chức Năm chéo (Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong các năm 2019-2020) nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020); hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Na Uy (1971-2021) và kỷ niệm nửa thế kỷ hợp tác Việt Nam-Thụy Điển (1969-2019). Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy và Thụy Điển sau 20 năm.
Hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo 3 nước
Trong chuyến thăm 09 ngày tới 03 nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc với hơn 50 hoạt động, như: Các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao 3 nước (hội đàm với Thủ tướng, hội kiến với Nhà Vua, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội); dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp mặt các nhà đầu tư, bà con kiều bào, thăm và làm việc tại địa phương; thăm một số cơ sở sản xuất, trung tâm công nghệ cao của doanh nghiệp, tập đoàn lớn; gặp gỡ tri ân những người bạn Nga, Thụy Điển có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước. Tại mỗi nước, các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra thẳng thắn, chân thành, hiệu quả, thực chất; nhiều văn kiện hợp tác giữa hai bên được ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Thực hiện chuyến thăm Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi riêng và hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Duma quốc gia Nga, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Medvedev cùng dự lễ khai mạc Năm chéo 2 nước Việt Nam, Nga 2019-2020.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức Năm chéo, với hơn 200 hoạt động đa dạng tại nhiều địa phương, cho đây là sự kiện trọng đại đối với quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dù bất cứ hoàn cảnh nào của thế giới, Nga đã, đang và sẽ luôn là người bạn lớn, tin cậy của Việt Nam.
Hai bên khẳng định năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác Việt-Nga; nhất trí thúc đẩy doanh nghiệp dầu khí hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh theo các cơ chế đã ký. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam; đánh giá Việt Nam và Nga còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư với nhiều dự án được đề xuất và triển khai thời gian qua. Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm cổng dịch vụ công trực tuyến, trung tâm an ninh an toàn thông tin, mô hình thành phố thông minh.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm các “địa chỉ đỏ” tại TP. Saint Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga: Đến viếng, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm-Nghĩa trang Piskaryovskoye, nơi chôn cất những người đã hy sinh bảo vệ thành phố Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) trước sự bao vây, tấn công của phát xít Đức, thăm Khu lưu niệm của Lenin, thăm Chiến hạm Rạng Đông, dự triển lãm về văn hóa Việt Nam tại Cung điện Mùa Đông (Bảo tàng Hermitage). Thủ tướng đã đặt vòng hoa viếng Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh, vào Lăng viếng Lenin tại Quảng trường đỏ-Thủ đô Moscow.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg
Thăm chính thức Na Uy, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald đệ Ngũ, Chủ tịch Quốc hội Tone Troen.
Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy)… Thủ tướng Na Uy hoan nghênh việc Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của chúng ta sẽ được tổ chức tại Oslo trong tháng 10/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven
Thăm chính thức Thụy Điển, nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966) và tiếp tục là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Stefan Löfven, hội kiến Quốc vương Carl XVI Gustav, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Thủ tướng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết mà nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ và hình ảnh Thủ tướng Olof Palmer dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này tại thủ đô Stockholm.
Hai Thủ tướng khẳng định quan hệ thương mại-đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô.
Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA) trong những tuần tới và nhanh chóng phê chuẩn, triển khai sau đó, để mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD vào Việt Nam.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nga, Na Uy, Thụy Điển, Thủ tướng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định, duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng cũng đề nghị chính phủ các nước tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống và hội nhập ổn định, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước.
Gặp gỡ các doanh nghiệp, giới thiệu tiềm năng của Việt Nam
Trong chuyến thăm 3 nước, Thủ tướng đều dành thời gian gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu, cũng như thăm các cơ sở kinh tế tiêu biểu của Nga, Na Uy, Thụy Điển và dự các diễn đàn doanh nghiệp, nơi cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác, để giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam về các chính sách, quan điểm phát triển của Việt Nam và kêu gọi doanh nghiệp mang vốn, công nghệ hiện đại đến Việt Nam.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, con số đầu tư của doanh nghiệp Nga vào Việt Nam mới đạt 1 tỷ USD, trong khi của Việt Nam vào Nga là 3 tỷ USD và đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp Nga chậm chân trong một số dự án đầu tư vào Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các bạn nhưng chính các bạn sẽ người quyết định mở ra chương mới trong hợp tác đầu tư thương mại Việt-Nga”.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, Thủ tướng cũng khẳng định, doanh nghiệp chính là chủ thể quyết định thành công của hợp tác song phương. “Việt Nam, một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chờ đón các bạn”, Thủ tướng mong muốn có sự kết hợp “Made by Na Uy” về thiết kế, công nghệ mới và “Make in Việt Nam” sản xuất, thương mại tại Việt Nam.
Cùng Thủ tướng Stefan Löfven dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta hiểu nhau, tin nhau cùng mở ra hướng đầu tư mới, đúng như câu Kiều mà Thủ tướng Stefan Loefven đã lẩy: “Gian nan mới tỏ lòng người”. Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp hai bên sẽ hiểu nhau hơn, kết nối các cơ hội hợp tác thành công trong tương lai.
Và trong chuyến thăm của Thủ tướng, các doanh nghiệp hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động kết nối hợp tác như hãng dược hàng đầu Thụy Điển Astra Zeneca công bố đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024; Công ty NutiFood (Việt Nam) có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Backahill về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB - một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển; Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) có thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời; Vietnam Airlines kỷ niệm 15 năm bay thẳng Việt Nam-Liên bang Nga và chuyển đổi khai thác sân bay; Tập đoàn T&T (Việt Nam) mở công ty tại Nga để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường này; Tập đoàn VNPT ký thỏa thuận hợp tác với Ericsson về sáng tạo công nghiệp 4.0 và Internet…
Nhân dịp này, các bộ, ngành, địa phương hai nước cũng có các cuộc làm việc, trao đổi với phía đối tác để cùng hòa nhịp vào sự phát triển quan hệ hợp tác song phương như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm việc với Bộ trưởng Bộ Phát triển số, Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga về phát triển Chính phủ điện tử; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rostom; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với Quốc vụ Khanh Bộ Quốc phòng Thụy Điển; lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Na Uy để tìm hiểu cơ hội hợp tác…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Nga, Na Uy, Thụy Điển; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp phát triển đất nước và mong muốn “mỗi bà con là một đại lý tiêu thụ hàng Việt”.
Thủ tướng cũng đã gặp gỡ, tri ân những chuyên gia, bạn bè Nga, Thụy Điển, những người đã giúp Việt Nam trong chiến tranh và trong công cuộc đổi mới. “Từ trái tim đến trái tim, chúng ta không bao giờ quên nhau, luôn nhớ nhau với sự chân thành, da diết và biết ơn các bạn”, Thủ tướng bày tỏ.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần tiếp nối và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và mở ra hướng hợp tác mới với các chương trình, dự án cụ thể trên cơ sở sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân các nước.