Chiều 5/4, Thủ tướng Iceland đã tuyên bố từ chức trước sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập, sau khi Tài liệu Panama tiết lộ ông có những khoản đầu tư mờ ám ở nước ngoài, AP đưa tin.
Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson bị cáo buộc che giấu hàng triệu USD tài sản gia đình.
AP cho biết, Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson bị cáo buộc che giấu hàng triệu USD tài sản gia đình.
Cụ thể, theo các chứng từ thuế từ tài liệu bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca, ông Gunnlaugsson và vợ, bà Anna Sigurlaug Palsdottir, đã mua công ty nước ngoài Wintris vào năm 2007 để đầu tư.
Năm 2009, ông trở thành thành viên Quốc hội Iceland, song lại không công khai lợi nhuận từ công ty này. 8 tháng sau, 50% cổ phần của Wintris đã được ông bán lại cho vợ với giá 1 USD.
Phe đối lập cho rằng việc che giấu tài sản có thể dẫn đến xung đột lợi ích. Thủ tướng đáng ra phải công khai ngay cả những tài sản ở nước ngoài cũng như tài sản riêng.
Tuy nhiên, ông Gunnlaugsson tuyên bố không làm gì sai trái, và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trước trong những giao dịch tài chính. Ông khẳng định, tất cả các khoản thuế đều đã được thanh toán đầy đủ.
Sau khi thông tin Thủ tướng Gunnlaugsson sử dụng công ty “bình phong” nhằm che giấu các khoản đầu tư ở nước ngoài được tiết lộ, làn sóng biểu tình tại Iceland đã nổ ra. Hôm 4/4, hàng nghìn người dân tụ tập phản đối, ném trứng và chuối yêu cầu ông từ chức.
Người dân biểu tình yêu cầu Thủ tướngSigmundur Gunnlaugsson từ chức
Trong khi đó, các đảng đối lập cũng đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Gunnlaugsson.
Cùng ngày 5/4, sau khi đưa ra quyết định từ chức, Thủ tướng Gunnlaugsson đã đề nghị Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm, song bị bác bỏ.
Mặc dù từ chức Thủ tướng, nhưng ông Gunnlaugsson vẫn giữ chức Chủ tịch đảng đảng Tiến bộ. Dự kiến, Bộ trưởng Nông nghiệp và Ngư nghiệp Sigurdur Ingi Jonhansson sẽ được đề cử vào vị trí Thủ tướng kế nhiệm.
Như vậy, Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson là quan chức đầu tiên từ chức, trong số những nhân vật lãnh đạo, cựu lãnh đạo hoặc người thân của các chính trị gia có tên trong Tài liệu Panama.
Trong khi đó, tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin tuyên bố sẽ đưa Panama trở lại danh sách đen gồm những quốc gia không hợp tác về thuế quan, Reuters cho biết ngày 5/4.
Tài liệu Panama gồm 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài. Hồ sơ này cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015 thông qua các công ty bình phong.