Thủ tướng: Hà Nam cần quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển

Xuân Lan| 12/01/2020 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam về tình hình kinh tế - xã hội địa phương vào chiều ngày 11/1, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Tỉnh cần có tư duy đột phá, quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển.

Thủ tướng: Hà Nam cần quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nam phải xác định tâm thế đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước 

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 62,2 triệu đồng/người, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Hà Nam là một trong 8 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/6 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nêu một số kiến nghị cụ thể, tỉnh mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ  đạo thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào đầu nguồn sông Nhuệ, đồng thời giao cho tỉnh Hà Nam thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm tổ chức khảo sát, lập dự  án xử lý nước thải sông Nhuệ, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam Hà Nội, kết nối khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để phát huy hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tỉnh đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm chấp thuận chủ trương, bố trí vốn để đầu tư xây dựng một số dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay diện tích đất các khu công nghiệp của tỉnh đã lấp đầy trên 80%, tỉnh đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh điều chỉnh quy hoạch tăng quỹ đất công nghiệp từ 2.534ha lên 4.500 ha để thực hiện từ năm 2020.

Tỉnh cho biết, đã chủ động kêu gọi 2 nhà đầu tư về tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và đầu tư cảng; đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, kinh tế tỉnh Hà Nam có những bước phát triển khá toàn diện. Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng ước đạt 11,54%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước; thu NSNN tăng cao, bình quân 31,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng bình quân 16,1%/năm; số lượt du khách tăng bình quân 22,2%.Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,69%.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Hà Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Một số chỉ tiêu mà Thủ tướng giao tại cuộc làm việc với tỉnh 2 năm trước chưa giải quyết được như cân đối ngân sách, phát triển doanh nghiệp. Nếu tỉnh không có cách làm đột phá thì tỉnh khó đạt mục tiêu có 11.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Chỉ số thành phần thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công nằm trong nhóm các địa phương có điểm số cao, tuy nhiên chỉ số quản trị môi trường lại nhằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nam phải phấn đấu đi đầu, chứ không phải đi cuối trong phát triển, xác định tâm thế đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước; phải tìm ra lợi thế để phát triển tốt hơn nữa; còn không, dễ bị tụt hậu.

Tỉnh phải triển khai ngay các nghị quyết 01, 02 của Chính phủ trong quý I/2020. Tỉnh cần có tư duy đột phá, quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển, nhất là tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Tinh thần là năm 2020, tỉnh Hà Nam tự cân đối ngân sách, Thủ tướng nêu rõ. Phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ trọng công nghiệp sạch, công nghệ cao. Phấn đấu sớm trở thành tỉnh nông thôn mới trong năm 2020. Phải thực hiện tốt quy hoạch tỉnh (gồm cả quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...).

Tập trung xây dựng phát triển đô thị văn minh hiện đại gắn với nông thôn mới bền vững. Thủ tướng nhất trí chủ trương bổ sung Hà Nam vào vùng Thủ đô. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai theo hướng tiết kiệm đất, tiết kiệm và chế biến sâu khoáng sản để bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Không mở rộng các nhà máy xi măng.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cải thiện hiệu quả các chỉ số PCI, PAPI, PAR của tỉnh.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng cơ bản ủng hộ nhằm tạo điều kiện cho Hà Nam phát triển như đồng ý việc thuê tư vấn nước ngoài trong việc xử lý môi trường sông Nhuệ hay nhất trí việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực ô tô.

Tối ngày 11/1, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Duy Tiên - đơn vị cấp huyện phát triển hàng đầu của tỉnh Hà Nam.

Thị xã Duy Tiên nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung là địa phương có truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, là địa phương có nền văn minh lúa nước lâu đời và nền văn hóa dân gian phong phú. Đây là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong điều kiện tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Duy Tiên đã đoàn kết nhất trí một lòng, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, tích cực vươn lên và đạt nhiều thành tựu toàn diện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, truyền thống đoàn kết, anh hùng của Đảng bộ, chính quyền quê hương Duy Tiên được phát huy trong thời kỳ đổi mới.

Thủ tướng lưu ý, với tâm thế của một thị xã là một vinh dự nhưng cũng gắn liền với trách nhiệm nặng nề, thị xã Duy Tiên cần tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế để vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để phát triển nhanh, bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Hà Nam cần quyết liệt, không làm cầm chừng trong phát triển