Thủ tướng: “Đừng để chìm xuồng những vụ chúng ta đã làm, sẽ làm”

Trọng Bằng| 01/11/2017 22:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên khi lưu ý vai trò của ngành Thanh tra trong việc công khai kết luận, qua đó đề xuất, kiến nghị xử lý xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thủ tướng: “Đừng để chìm xuồng những vụ chúng ta đã làm, sẽ làm”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 1/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Thanh tra Chính phủ. Đây cũng là buổi làm việc đánh dấu sự ra mắt của tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái với cán bộ chủ chốt của ngành.

Là lực lượng nòng cốt giải quyết khiếu nại tố cáo

Phát biểu tại buổi làm việc, nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TTCP là cơ quan quan trọng của bộ máy Nhà nước. Trong 72 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thanh tra đã đạt nhiều thành tích, được Đảng, Nhà nước ghi nhận. “Anh càng ở cơ quan quan trọng thì trách nhiệm càng nặng nề”, Thủ tướng bày tỏ, cơ quan thanh tra còn là niềm tin của nhân dân, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng bộ máy liêm chính.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, TTCP còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để xứng đáng là cơ quan quan trọng của bộ máy Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra tập trung đánh giá, tổng kết, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở về những nguyên nhân, gốc rễ của tình trạng khiếu kiện hiện nay, từ đó, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải có biện pháp cụ thể, phù hợp, kịp thời để chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

“Tại sao khiếu nại tố cáo vẫn tiếp tục phức tạp như vậy, nguyên nhân nằm ở đâu, tại sao kéo dài?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, khiếu nại tố cáo chủ yếu trong một số lĩnh vực như đất đai, từ tham nhũng, tiêu cực… và còn một bộ phận cán bộ công chức vẫn thờ ơ, không chia sẻ với người dân. “Tôi đồng ý với các đồng chí là cơ quan TTCP không thể làm hết mọi việc, nhưng chúng ta phải là cơ quan chủ trì, là lực lượng nòng cốt trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo”.

Trước hết, hệ thống thanh tra phải đôn đốc, kiểm tra, chủ trì trực tiếp xử lý một số vụ việc có liên quan. Thanh tra các cấp cần chủ động hơn trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, làm tận gốc từ cơ sở, làm thấu tình đạt lý để thuyết phục người dân. Phải đặt mình vào vị trí của người dân, giải quyết đến nơi đến chốn, truy đến cùng vụ việc.

Kết luận thanh tra phải đúng, sai rõ ràng

Về công tác thanh tra, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần minh bạch, khách quan, vô tư, thực hiện đúng quy chế làm việc của ngành; có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra phải sát, đúng, chặt chẽ, không thể kéo dài mãi thời gian, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết luận thanh tra phải kiên quyết, đúng sai rõ ràng, không biến trắng thành đen, biến đen thành trắng; xử lý chặt chẽ, có lý, có tình, đúng pháp luật và rõ ràng, “đừng để sau kết luận thanh tra, nhân dân, cán bộ công nhân viên đã được thanh tra mất niềm tin về đoàn thanh tra rằng đoàn thanh tra đã bị thế này, bị thế khác, không làm đúng pháp luật và bản chất vấn đề”, Thủ tướng lưu ý.

Qua thanh tra, công khai kết luận và qua đó đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm túc, ngoài xử lý về tiền, tài sản, cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách. “Đừng để chìm xuồng những vụ chúng ta đã làm, sẽ làm”. Dư luận nhân dân mong muốn chúng ta làm nghiêm vấn đề này.

Tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc theo kế hoạch

Về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng đề nghị tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách. Ngành thanh tra tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như xây dựng cơ bản, đất đai, công tác cán bộ…

Cho rằng công tác xây dựng ngành là vấn đề lớn, Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xác định trách nhiệm nặng nề đối với ngành trong bối cảnh nội bộ ngành còn một số tồn tại như hiện nay.

Phải tăng cường quản lý, sử dụng cán bộ công khai, minh bạch, đánh giá đúng cán bộ. Tăng cường kiểm tra nội bộ, công khai mọi quy chế, kiểm soát việc thực hiện, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Bản thân từng đơn vị, từng cán bộ phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành thanh tra. Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo sự đoàn kết.

Chỉ còn hai tháng nữa kết thúc năm 2017, Thủ tướng đề nghị tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc theo kế hoạch thanh tra năm nay đã giao để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tân Tổng TTCP Lê Minh Khái nhìn nhận trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhiệm vụ đối với ngành càng nặng nề.

Ông khẳng định, ngành thanh tra ý thức được rằng cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình đất nước hiện nay để quyết tâm cao hơn, tiếp tục phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ, phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, là một trong những công cụ hữu hiệu phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần tích cực hơn nữa vào xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: “Đừng để chìm xuồng những vụ chúng ta đã làm, sẽ làm”