Thủ tướng Chính phủ đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng
Tối 30/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công nhân Cảng Hải Phòng (24/11/1929-24/11/2019), Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (28/11/1929-28/11/2019) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ diễn ra vào tối 30/11, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Cảng Hải Phòng với lịch sử hơn 145 năm, là cửa ngõ ra biển quan trọng nhất của các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Cảng Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò là thương cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải với những kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng ấn tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Buổi lễ là dịp các đại biểu ôn lại truyền thống của một đơn vị “bất khuất, anh hùng”. Nhìn lại chặng đường lịch sử, đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng đã được giác ngộ từ rất sớm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Cảng Hải Phòng đã đoàn kết, với tổ chức chặt chẽ của trên 500 công nhân, ngày 24/11/1929 đã tiến hành cuộc đấu tranh đầu tiên đòi tăng lương, nước uống, giảm giờ làm, chống đánh đập và giành được thắng lợi. Cuộc đấu tranh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần cách mạng tiến công của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng nói riêng.
Ngày 24/11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống "Đoàn kết - Kiên Cường - Sáng tạo" của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng. Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào công nhân Cảng Hải Phòng, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Cảng Hải Phòng đã được ra đời ngay sau đó, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng nói riêng và công nhân Hải Phòng nói chung.
Buổi lễ cũng là dịp để tri ân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đến thành phố Hải Phòng nói chung và Cảng Hải Phòng nói riêng. Ngày 20/10/1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến Cầu Ngự, Cảng Hải Phòng. Ngày 30/5/1957, lần thứ hai Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng. Ngày 10/1/1960, lần thứ ba Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng khi chúng ta tổ chức lễ đón 922 kiều bào từ Thái Lan về nước.
Thế hệ đầu công nhân Cảng Hải Phòng hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng những bến cảng đầu tiên ở Hải Phòng. Với tinh thần bất khuất trong đấu tranh, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng đứng lên đấu tranh giành nhiều thắng lợi, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân, đế quốc của Hải Phòng và cả nước.
Cuối năm 1927, Chi hội Thanh niên và Chi hội Công hội đỏ Cảng Hải Phòng được thành lập, cùng công nhân lao động Cảng tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi chủ cảng tăng lương, có nước uống trong giờ làm việc, chống đánh đập, cúp phạt.
Ngày 24/11/1929, cuộc đấu tranh giữa 500 công nhân với giới chủ cảng thắng lợi hoàn toàn, khẳng định bản lĩnh giai cấp cách mạng của công nhân Cảng Hải Phòng. Đó là khởi nguồn ngày truyền thống “Đoàn kết-Kiên cường-Sáng tạo” của Đảng bộ và đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, Cảng phát động nhiều phong trào, như “Khắc phục khó khăn chống làm bừa, làm ẩu", “Tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hiện kế hoạch hóa phục hồi kinh tế;" phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải," “Giỏi một nghề thạo nhiều nghề”… nhận được sự hưởng ứng của công nhân Cảng.
Cảng Hải Phòng không chỉ là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mà còn là căn cứ xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển. Với tinh thần quả cảm, thông minh, sáng tạo, sát cánh với các lực lượng Quân đội, những người công nhân Cảng Hải Phòng "bất khuất, anh hùng” đã chiến dấu và chiến thắng trong những cuộc đánh phá ác liệt không quân Mỹ, bảo đảm an toàn cơ sở vật chất, hàng hóa để phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều công nhân đã anh dũng chiến dấu, hy sinh để bảo vệ, thông luồng cho tàu vào Cảng.
Đặc biệt, Cảng Hải Phòng còn là nơi lưu lại những dấu ấn quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua ba lần đến thăm Cảng, Người đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo và nhũng tình cảm sâu sắc cho thành phố Hải Phòng nói chung vả Cảng Hải Phòng nói riêng. Đây là niềm tự hào và nguồn động viên lớn lao đối với các thế hệ cán bộ, công nhân Cảng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Cảng Hải Phòng ngày càng được mở rộng và từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Với khẩu hiệu “Phát huy truyền thống Đoàn kết-Kiên cường-Sáng tạo, phát triển Cảng Hải Phòng văn minh, hiện đại," công nhân Cảng Hải Phòng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, hội thao nâng cao năng suất, chất lượng xếp dỡ hàng hóa, phát huy sáng kiến đến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất…
Chỉ tính trong 10 năm (từ 2009 đến 2018), có 1.321 đề tài, sáng kiến chủ yếu của công nhân lao động trực tiếp sản xuất, làm lợi cho đơn vị 16,2 tỷ đồng. Các hội thao góp phần nâng cao năng lực điều khiển phương tiện thiết bị, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an ninh-an toàn cảng biển… của người lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn, doanh thu trên 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng hơn 600 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động của Cảng khoảng 3200 người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cảng đã đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến với hệ thống điều hành sản xuất, giám sát, bốc xếp hiện đại hàng đầu trong khu vực; xây dựng Chiến lược phái triển theo mô hình "cổng biển xanh"; từng bước thực hiện "cảng điện tử” với những dịch vụ trực tuyến, thông quan điện tử; tự động trao đổi dữ liệu với hải quan và các cảng quốc tế.
90 năm qua, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng tự hào khi đóng góp của họ trong hành trình vinh quang ấy luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng. Trong 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018), có 217 lượt cá nhân được tôn vinh là công nhân lao động tiêu biểu, 222 lượt công nhân lao động xuất sắc, 122 công nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo, năm công nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động…
Truyền thống “Đoàn kết-Kiên cường-Sáng tạo” không ngừng được phát huy và là điểm tựa quan trọng trong hành trình xây dựng thế hệ công nhân cảng có tri thức, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn trong việc góp phần đưa đất nước và thành phố phát triển đột phá trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Là một cảng biển lịch sử phát triển lâu đời tại Việt Nam; đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc, các cán bộ, công nhân Cảng Hải Phòng bày tỏ tự hào, hãnh diện về truyền thống và thương hiệu của Cảng Hải Phòng; đây là nhịp cầu kết nối giao thương quốc tế lớn của đất nước, nơi đưa các sản phẩm, hàng hóa và con người Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích trên, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng.