Ngày 19/10, tại Brussels, Bỉ, phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ 2, Hội nghị Cấp cao ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 đề xuất quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Theo Thủ tướng, Hội nghị Cấp cao ASEM diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế chuyển động nhanh chóng và sâu sắc. Hệ thống đa phương đứng trước nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và gây ra những tác động nặng nề. Sáng tạo số và các công nghệ mới đang định hình lại nền sản xuất, kinh doanh và cuộc sống con người, nhưng cũng làm gia tăng khoảng cách xã hội. Vì vậy, ASEM cần đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng nêu 3 đề xuất:
Thứ nhất, ASEM cần khẳng định vai trò tiên phong trong đẩy mạnh hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Châu Á và châu Âu cần hợp tác chặt chẽ góp phần giải quyết kịp thời các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì hòa bình, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. ASEM cần thúc đẩy quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu cân bằng hơn, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, nâng cao vai trò của WTO trong tình hình mới.
“Là thành viên tích cực của ASEAN, chúng tôi mong muốn trong các chương trình hợp tác của ASEM cần có thêm nội hàm về ASEAN, và ngược lại trong chương trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường và sáng tạo, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các thành viên ASEM”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, ASEM cần đi đầu hiện thực hóa các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, tăng cường hợp tác giữa khu vực Danube và Mekong. Cần tiếp tục thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các thành viên phát triển trong ASEM hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lượng sạch, chuyển sang nền kinh tế xanh. Nỗ lực giảm chất thải nhựa ra đại dương, loại chất thải đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sức khỏe đại dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada tháng 6/2018, Việt Nam đã đề xuất hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương.
Thứ ba, phát triển bền vững, bao trùm gắn với đổi mới sáng tạo, ứng phó thách thức toàn cầu cần trở thành trọng tâm xuyên suốt của hợp tác ASEM. Theo đó, cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm về kinh tế-xã hội, chú trọng giảm nghèo bền vững, giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Cần kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM; kết nối các mạng lưới doanh nhân nữ giữa hai châu lục, thúc đẩy giao lưu nhân dân trong Quỹ Á-Âu. Việt Nam sẽ tăng đóng góp tài chính cho Quỹ Á-Âu từ năm 2019.
ASEM cần chia sẻ kinh nghiệm về khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nhóm người dân dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trong tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro. Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ cần trở thành nội hàm của chiến lược phát triển quốc gia, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Thủ tướng cho biết là chủ nhà Diễn đàn APEC năm 2017, Việt Nam đã cùng các thành viên thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở tại châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.
Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đang nỗ lực đến cuối năm 2018 sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP; đang tích cực chuẩn bị đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Với niềm tin và tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của 53 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, coi Việt Nam là ứng cử viên duy nhất, và cam kết ủng hộ của nhiều quốc gia khác. “Từ Diễn đàn trọng thể này, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ quý báu của các thành viên ASEM cho trọng trách vinh dự này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác ASEM. Theo đó, Việt Nam đề xuất tổ chức “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội ở châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” trong năm 2019 và cảm ơn Trung Quốc, EU, Indonesia, Singapore, Lào, Australia, Italy, Đan Mạch, New Zealand, Hungaria và Romania đã đồng bảo trợ cho những sáng kiến nêu trên của Việt Nam.