Chiều 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 15 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên địa bàn.
Dự phiên họp tại các điểm cầu có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu…
Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 14 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tại phiên họp lần thứ 14, Thủ tướng Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Trong đó, có 33 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên, hiện đang được các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp triển khai thực hiện.
Về 50 nhiệm vụ cụ thể còn lại, đến nay đã hoàn thành 41 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, gồm các nhiệm vụ chính như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành thẩm định dự án Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình và dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn về chỉ tiêu đất giao thông tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh; hướng dẫn tỉnh Tiền Giang về khai thác cát phần diện tích trùng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương về chuyển mục đích sử dụng rừng ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2020-2025.
Bộ GTVT thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành; báo cáo Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM-Long Thành; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động đợt thi đua tình nguyện tham gia hỗ trợ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
TPHCM hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 TPHCM và trình Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo và cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Tỉnh Bình Dương, Sơn La và Thái Bình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình.
Về tình hình thực hiện các dự án, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng, chủ động khắc phục các khó khăn để triển khai công việc, đa số các dự án đang được triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 14, các địa phương đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có sự chuyển biến đáng kể, phần diện tích bàn giao tăng trên 20%.
Tuy nhiên tại một số dự án, tiến độ triển khai còn chậm, do còn có một số khó khăn, vướng mắc như phần diện tích giải phóng mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên khối lượng tại một số địa phương còn rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu…