Chiều 29/4, ngay sau Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các thành viên Chính phủ để xem xét, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị này, Chính phủ đã thảo luận và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cụ thể đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung vào những nhóm vấn đề lớn là đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường ; tiếp cận vốn, tín dụng; đất đai, xây dựng, môi trường; thuế, hải quan; chi phí kinh doanh; công tác thanh tra, kiểm tra; quy định về giao dịch bảo đảm; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Các Bộ, ngành khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, khẩn trương giải quyết, trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp với tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng Bộ, ngành đều khẳng định sẽ có các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời mong muốn bản thân các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh.
Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Các ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Nhiều ý kiến góp ý Nghị quyết cần toát lên quyết tâm của Chính phủ trong việc công khai, minh bạch, tạo cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ cũng thống nhất những giải pháp cụ thể theo kiến nghị của các doanh nghiệp; chú trọng đến những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hội nhập khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do nhất là TPP để có thể “thắng trên sân nhà”.
Phát biểu kết luận Hội nghị bất thường này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thay đổi tư duy, cách làm, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.
“Chúng ta không còn dư địa tăng trưởng nhiều với cách làm cũ. Những việc như thế này chúng ta không chờ kỳ họp Quốc hội mà chủ động giải quyết. Mọi cấp mọi ngành phải tìm mọi cách, năng động, sáng tạo, điều hành quyết liệt theo chức năng nhiệm vụ”, Thủ tướng chỉ rõ.
Nhấn mạnh đến yêu cầu bức thiết của việc tăng cường năng lực của cả hệ thống trong thực thi công vụ, Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố phải chủ động có biện pháp tháo gỡ các khó khăn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần đổi mới. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
“Phải tôn trọng doanh nghiệp, phải trả lời đến nơi đến chốn, không thể tình trạng nước đổ lá khoai, gió vào nhà trống”, Thủ tướng lưu ý.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết phát triển doanh nghiệp, liên quan đến vấn đề ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trả lời doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với khả năng của ngân sách trên tinh thần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa. Thủ tướng cũng chỉ đạo phân cấp mạnh mẽ giữa trung ương và địa phương; tránh tình trạng “chạy lên chạy xuống”. Phân cấp, giao quyền cũng chính là hướng tới mô hình Chính phủ kiến tạo phát triển. Chính phủ xây dựng thể chế; đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực thi chủ trương chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để nông nghiệp phát triển đồng đều, tạo ra cuộc cách mạng trong xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nỗ lực, chủ động vươn lên, khắc phục khó khăn không chỉ dựa vào Nhà nước.