Chính trị

Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao

Khánh Ngọc 15/10/2024 17:55

Chiều 15/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

thutuong.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hécta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Đây cũng là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hecta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của Việt Nam; sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam.

7(3).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Hồ Đức Phớc cùng tham dự tại Hội nghị

Thủ tướng cho biết thêm, không có cuộc gặp, trao đổi nào với các đối tác quốc tế mà Thủ tướng không nói đến ĐBSCL. Bởi việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn thì không thể không nói đến ĐBSCL. Mặt khác, với vấn đề an ninh lương thực thực phẩm trên thế giới, ĐBSCL rất có cơ hội để phát triển.

Qua đó, khẳng định ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại ngày nay, với xu thế "ăn ngon, ăn sạch", cạnh tranh lại rất lớn, chúng ta phải "thổi hồn", thổi sức sống mới vào ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo tại ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước.

Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án và tích cực chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị ý nghĩa, quan trọng này.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức và hành động (còn có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án); về quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; về cơ chế, chính sách, về việc huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án, trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ carbon trong trồng lúa và một số vấn đề khác.

2(6).jpg
Toàn cảnh hội nghị

Với quan điểm đó, Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phê duyệt tháng 11/2023 đến nay đã triển khai được gần một năm. Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Với trách nhiệm, tự hào về văn hóa, con người, về vùng đất rất đặc biệt ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, các địa phương báo cáo, chi tiết tình hình triển khai Đề án, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, trong đó nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện.

Bên cạnh đó, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao