Số tiền trên sẽ được đầu tư cho phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.
Mục tiêu của dự án là xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an là chủ đầu tư dự án.
Về quy mô, nội dung đầu tư, xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, gồm: Đầu tư phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.