Khẩn trương làm rõ vụ thai phụ chết não ở phòng khám đa khoa 168 và tăng cường quản lý sản phẩm rượu là hai chỉ đạo nóng của Thủ tướng Chính phủ liên quan lĩnh vực sức khỏe và an toàn thực phẩm của người dân.
Khẩn trương làm rõ vụ thai phụ chết não ở phòng khám đa khoa 168
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ thai phụ bị hôn mê sâu ở phòng khám đa khoa 168 Hà Nội.
Ngày 7/3/2017 trên báo Tuổi trẻ có tiêu đề "Bác sĩ Trung Quốc bỏ trốn sau khi bệnh nhân chết não" phản ánh phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (Ngọc Hồi, Thanh Trì) do Bác sỹ Trịnh Túc Vinh (người Trung Quốc) đã khám và làm thủ thuật cho một bệnh nhân nữ mang thai dẫn tới hôn mê sâu.
Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, địa chỉ Km12, Quốc lộ 1, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì
Trong 3 năm qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các sai phạm nhưng Phòng khám này vẫn tồn tại và hoạt động cho đến khi xảy ra vụ việc nêu trên.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/3/2017.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý sản phẩm rượu
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Nội dung công điện như sau:
Vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc do rượu, đặc biệt ngày 13 tháng 02 năm 2017 đã xảy ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người bị tử vong. Để bảo đảm an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trong cả nước, tránh để xẩy ra những vụ việc đáng tiếc như trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tích cực chỉ đạo công tác thăm hỏi, khắc phục hậu quả, hỗ trợ kịp thời để ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân; đồng thời làm rõ nguyên nhân, có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rượu nói riêng; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
3. Các Bộ: Y tế, Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo hướng:
- Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức.
- Kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…).
- Nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu.
- Có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
- Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.