Tổng thống Donald Trump vừa có chuyến công du châu Âu đầy sóng gió khi có cuộc đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Anh Theresa May.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 đã tới thủ đô London bắt đầu chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Chuyến thăm kéo dài 4 ngày, với 2 ngày làm việc chính tại Anh. Máy bay không lực 1 chở Tổng thống Mỹ hạ cánh xuống sân bay Stansted. Ông Trump sau đó đã di chuyển tới cung điện Blenheim, có từ thế kỷ 18. Được biết, trong chuyến thăm chính thức Anh, ông Trump đã nghỉ đêm tại dinh thự của đại sứ quán Mỹ ở London.
Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đã đến thăm Học viện Quân sự Sandhurst và sau đó là Checkers, một dinh thự có từ thế kỷ 16, cách 60 km về phía tây bắc thủ đô London, để đàm phán song phương về chính sách đối ngoại. Sau đó, ông Trump và bà Melania đã đến Lâu đài Windsor để gặp Nữ hoàng Elizabeth và dùng trà.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng May đã đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm. Bà coi đây là cơ hội để hai nước đạt được thỏa thuận thương mại tự do sau lộ trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn trên The Sun (Anh) ngày 13/7, ông Trump cáo buộc bà May đang phá hoại điều mà người dân mong muốn sau cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU khi thông qua kế hoạch “Brexit mềm” hồi tuần trước.
Theo đó, Anh vẫn tiếp tục tuân thủ một số quy định chung của EU để tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với khối. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích bà May bỏ qua lời khuyên của ông trong quá trình đàm phán Brexit và cảnh báo nếu Anh thực thi thỏa thuận trên thì cơ hội đàm phán thương mại với Mỹ sẽ bị triệt tiêu.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một quả bom dội vào sự nghiệp chính trị của bà May chỉ trong 1 cuộc phỏng vấn chóng vánh. Có thể thấy, ngay từ đầu cách tiếp cận của bà May đối với Brexit vẫn luôn chậm rãi, nhẹ nhàng từng bước một. Bà May có thể làm tất cả, từ việc thể hiện tính thực dụng đến việc xóa nhòa những khác biệt, để có thể vượt qua đoạn đường khó. Còn ông Trump sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc, kèm theo lời chỉ trích bà May vì đã quá lề mề.
Ông Trump còn không ngại khi cho rằng, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, một trong những người vừa từ chức để phản đối Brexit “mềm”, có tiềm năng là một “Thủ tướng tuyệt vời”. Phát ngôn của ông Trump, người đặc biệt khó đoán trong đàm phán và thỏa thuận, như thêm đòn với bà May bằng việc đưa ra một lá phiếu bất tín nhiệm “vô hình” với Brexit, qua đó nâng tầm ông Boris Johnson và phe "Brexit cứng”. Đối với bà May, lá phiếu bất tín nhiệm “vô hình” của ông Trump đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một ngày sau khi chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đổi giọng” nhằm tìm cách hàn gắn rạn nứt giữa hai nước đồng minh “đặc biệt,” bằng cách tuyên bố ủng hộ bất kỳ đường hướng nào mà Thủ tướng Anh lựa chọn cho quan hệ tương lai giữa xứ sở sương mù và Liên minh châu Âu.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo chung với bà May chiều 13/7, Tổng thống Trump lại khẳng định ưu tiên của ông đối với các cuộc đàm phán Brexit là bảo đảm Mỹ và Anh có thể phát triển hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên. Ông Trump cũng lập tức phủ nhận việc ông chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh trong một bài phỏng vấn của chính mình được đăng trên tờ The Sun số ra ngày 13/7.
Tổng thống Trump cho biết, bất kể Anh làm gì với Brexit ông đều thấy ổn, đó là quyết định của Anh, miễn là London có thể hợp tác thương mại với Mỹ, đó là tất cả những gì quan trọng nhất.