Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã mất như thế nào?

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla| 10/11/2019 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết là TAND cấp huyện.

Hỏi: Hai vợ chồng tôi có nơi cư trú tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho tới năm 2004. Năm 2005 chồng tôi bỏ nhà đi, từ đó đến nay không có tin tức gì về anh ấy.

Từ năm 2008 tôi chuyển công tác và hộ khẩu vào quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Nay tôi muốn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng tôi đã chết nhưng không am hiểu các thủ tục tố tụng cần phải tiến hành.

Xin hãy tư vấn cho tôi viết đơn yêu cầu, chuẩn bị các tài liệu cần thiết phải nộp kèm theo đơn và tôi xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên?

Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã mất như thế nào?

Hình minh họa

Trả lời: Căn cứ vào nội dung mà bạn đã cung cấp, cũng như dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đối với vụ việc của chị, vì năm 2005 chồng chị (anh A) bỏ nhà đi và từ đó tới nay - tức là năm 2019, chị muốn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng chị đã chết. Khoảng thời gian xác định được anh A bỏ nhà đi là 14 năm, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015:

“Điều 71. Tuyên bố chết

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”.

Như vậy căn cứ theo quy định trên thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong bốn trường hợp sau: Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống. Như vậy, căn cứ vào Điều luật này thì việc chị  muốn yêu cầu Tòa án tuyên bố anh A đã chết là hoàn toàn có căn cứ vì anh A đã biệt tích 14 năm liền mà không có tin tức gì.

Về việc viết đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố anh A đã chết

Chị phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Như vậy khi chị viết đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố anh A đã chết thì trong nội dung đơn yêu cầu đó phải nêu rõ việc yêu cầu Tòa án giải quyết là tuyên bố anh A đã chết, với lý do là anh A đã bỏ nhà đi 14 năm nay và không hề có thông tin gì về anh, mặt khác căn cứ theo quy định của Khoản 1 Điều 71 BLDS thì có căn cứ để Tòa án tuyên bố anh A là đã chết.

+ Gửi kèm theo đơn yêu cầu là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của chị B là có căn cứ và hợp pháp trong trường hợp này có thể là:

- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi sinh sống, Cơ quan quản lý hộ tịch.

- Giấy xác nhận của láng giềng, người thân thích của người bị yêu cầu về thời gian biệt tích của anh A.

Thẩm quyền của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc của chị

+ Về thẩm quyền của Tòa án các cấp: Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 35 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết là TAND cấp huyện.

+ Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 39 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết là Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết có nơi cư trú cuối cùng. Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố chết có nơi cư trú cuối cùng được hiểu là nơi cư trú của người bị yêu cầu đã chết trước khi người đó biệt tích và không có thông tin xác thực gì về người đó còn sống hay đã chết. Nơi cư trú được hiểu là nơi người đó thường xuyên sinh sống (theo quy định tại điều 40 BLDS).

=> Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố anh A đã chết là Tòa án quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội)

Ngoài ra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 BLTTDS thì Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu cũng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố đã chết nếu người yêu cầu lựa chọn. Như vậy, hiện nay chị đang sinh sống và làm việc tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh do đó nếu chị có yêu cầu Tòa án quận Thủ Đức giải quyết yêu cầu tuyên bố anh A đã chết thì Tòa án quận Thủ Đức vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc và đúng theo quy định của pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã mất như thế nào?