Thủ tục đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Phương Nam| 12/10/2016 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc sửa đổi phần thủ tục đặc biệt nhằm cụ thể hóa các quy phạm hiến định; nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; pháp điển hóa các văn bản dưới luật liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm; đồng bộ hóa với các luật chuyên ngành...

Ngoài 4 thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS 2015 quy định bổ sung 3 thủ tục, gồm: Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân; xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự;  bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Bên cạnh đó, bổ sung, sửa đổi nhiều quy định hiện hành về thủ tục đặc biệt, nhất là các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, thủ tục rút gọn, hợp tác quốc tế.

Mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Việc sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ chế tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xử lý các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng. Bảo đảm sự tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đồng bộ với Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Pháp điển hóa Thông tư liên tịch số 01 ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, bảo đảm tính cụ thể hóa của Bộ luật. Đồng thời, tăng cường vai trò giáo dục, phòng ngừa của gia đình, nhà trường và xã hội.

Về tên gọi, BLTTHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ pháp lý “người dưới 18 tuổi” để thay thế cho thuật ngữ hiện dùng là “người chưa thành niên” nhằm đáp ứng yêu cầu thời gian tới đây sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được mở rộng (Điều 413). Theo đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung các quy định về người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của họ, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em; đồng thời quy định về trình tự, thủ tục tố tụng đối với các vụ án có người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Điều 414). Theo đó, Bộ luật quy định 7 nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Cụ thể như sau: (1) Thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp (tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và tốt nhất của người dưới 18 tuổi). (2) Bí mật cá nhân. (3) Quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức. (4) Quyền được tham gia, trình bày ý kiến. (5) Quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý. (6) Nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự. (7) Giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

 BLTTHS 2015 quy định đầy đủ hơn về các tiêu chí yêu cầu đối với người tiến hành tố tụng (Điều 415). Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi (Điều 417). Theo đó, thẩm quyền xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc xác định tuổi tuân theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và khi không còn phương pháp nào khác theo luật định thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ. 

Nếu đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định theo 1 trong 5 trường hợp sau:

+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;

+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;

+ Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trong mọi trường hợp nếu không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Hoàn thiện các thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn trách nhiệm giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (Điều 418). Theo đó, sửa đổi các quy định này theo hướng kết hợp và phát huy tốt hơn vai trò giám sát, giáo dục của gia đình, nhà trường, tổ chức và xã hội đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội khi họ không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cách ly khỏi xã hội, đồng thời phát hiện, ngăn ngừa kịp thời những hành vi gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ án của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, cụ thể:

Thủ tục đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

 Phiên tòa xét xử các bị cáo chưa thành niên

 Cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm giao và người đại diện của người dưới 18 tuổi phải có trách nhiệm thực hiện sự giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Trong trường hợp họ có một trong những hành vi, như: có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời (6 nhóm hành vi).

BLTTHS 2015 quy định theo hướng hạn chế hơn, chặt chẽ hơn việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (Điều 419).

 Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi phải theo nguyên tắc chỉ áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết và khi việc áp dụng các biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn không hiệu quả.

Thời hạn tạm giam được rút ngắn và chỉ bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; bổ sung quy định về căn cứ, điều kiện việc áp dụng các biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đối với 2 nhóm chủ thể là người dưới 18 tuổi và việc áp dụng cũng chỉ mang tính tùy nghi (có thể), đó là:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các điều tương ứng (các Điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS). Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 7 tội danh và 2 loại tội phạm (rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) quy định tại 22 điều luật cụ thể.

So với quy định của BLTTHS năm 2003 thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi xét theo loại tội đã được thu hẹp; điều này kéo theo việc áp dụng các biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đối với họ cần có nhiều căn cứ hơn, đó là chỉ khi họ phạm các tội và có một trong các căn cứ theo luật định thì có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nêu trên.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các Điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS. Nếu họ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 2 năm thì cũng có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong trường hợp tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã (như áp dụng như đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng trong trường hợp tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc bị bắt theo quyết định truy nã).

BLTTHS 2015 cũng bổ sung quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015