Ngày 28/3, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác thu dung điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Báo cáo với đoàn công tác, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ tháng 6/2024, sởi bắt đầu gia tăng, đỉnh dịch rơi vào tuần 50, hiện bệnh sởi đang có xu hướng giảm.
3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện ghi nhận 1.520 ca sởi nhập viện. Trong đó, có 473 ca của TP.HCM và 1.047 ca từ các tỉnh lân cận.
Đáng nói, có đến 40% ca bệnh dưới 9 tháng tuổi và 83% bệnh nhân nặng chưa tiêm đầy đủ vaccine.
Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị sởi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch; lên 3 phương án tương ứng với từng tình huống, quy mô dịch, triển khai khu cách ly; phân luồng tiếp nhận bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, vật tư trang thiết bị, thuốc, dịch truyền; thành lập các đội cơ động chống dịch 24/24…
Cạnh đó, tổ chức tiêm chủng vaccine sởi cho bệnh nhân trước khi xuất viện; tiêm vaccine cho nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân sởi; tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh, tập huấn cho nhân viên y tế tại các đơn vị y tế, các tỉnh.
Thông tin với đoàn công tác, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, từ đầu dịch tới nay, TP.HCM phát hiện 8.087 ca sởi trên địa bàn và 12.269 ca sởi từ các tỉnh lân cận.
Theo bà Nga, sởi tác động tới mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhóm trẻ từ 0-4 tuổi chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất. Nhóm tuổi chiếm ưu thế là 1-5 tuổi.
"Hiện nay, số ca bệnh của TP.HCM và các tỉnh đang bắt đầu giảm. Tuần 12/2025, TP.HCM ghi nhận 56/273 phường, xã không có ca bệnh sởi liên tiếp 21 ngày. Chiều 27/3, UBND TP.HCM đã công bố quyết định hết dịch cho 22 phường, xã của thành phố", bà Nga vui mừng nói.
Phó Giám đốc HCDC TP.HCM cho rằng, để kiểm soát dịch sớm cần phải công bố dịch kịp thời vì đây là cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ kế hoạch chống dịch sởi.
"Cần chủ động bảo vệ các ca nguy cơ để giảm ca nặng và tử vong. Quản lý đối tượng tiêm chủng không chỉ phụ thuộc vào hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia mà phải có sự cập nhật từ địa bàn. Nhiều trẻ lỡ cơ hội tiêm chủng vì phụ huynh không nhớ rõ đã được tiêm chủng hay chưa", bà Nga nói.
Thống kê từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, đến nay đã có hơn 52.000 ca sởi, khu vực phía Nam có số ca mắc chiếm phần lớn nhưng những tuần qua đã giảm mạnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch, thu dung, điều trị, công bố dịch sởi của Bệnh viện Nhi đồng 1 nói riêng, TP.HCM, khu vực phía Nam nói chung.
"Sau khi công bố dịch, đến nay, số ca bệnh đã giảm rất nhiều, đây là điều rất vui của TP.HCM và các tỉnh phía Nam", Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, dù số ca mắc sởi tại TP.HCM đang có xu hướng giảm mạnh, nhiều xã, phường đã đủ điều kiện và công bố hết dịch.
Tuy nhiên, người dân và các bệnh viện không được chủ quan, lơ là bởi nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện vẫn còn hiện hữu.