Chiều 3/6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương đã thông tin về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản và khắc phục tình trạng thiếu điện.
Gần đây nhất Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trả lời báo chí về giải pháp đưa ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổ Công tác đã đi các địa phương để đôn đốc, lắng nghe, rà soát các dự án bất động sản khó khăn tại TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…
Kết quả sau khi xác định được những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó, Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Trong đó xác định các khó khăn chủ yếu là vướng mắc về thể chế, vướng mắc về thực thi tại các dự án.
Chính phủ đã ban hành nhiều các Nghị định, các Bộ ngành đã ban hành nhiều Thông tư để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp và được tháo gỡ tại Nghị định số 08 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ liên quan đến pháp luật về đất đai. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp liên quan đến tháo gỡ về nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất, tháo gỡ nhất là Nghị định sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có nhiều điểm tháo gỡ cho các dự án kinh doanh bất động sản thời gian qua.
Cùng với đó là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở, nên về cơ bản các vướng mắc về thể chế đến nay đã được tháo gỡ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng thông tin, qua rà soát các địa phương, Tổ Công tác đã có báo cáo.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có Công điện gửi đến các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản. Đặc biệt, các dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.
Thời gian vừa qua, nổi lên những dự án bất động sản ở các địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam còn nhiều vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư.
Các dự án này được diễn ra trong thời gian rất dài, các quy định pháp luật, các giai đoạn khác nhau. Do đó, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tiếp tục đôn đốc, rà soát, tháo gỡ. Những nội dung nào liên quan đến bộ ngành nào thì nơi đó phải có trả lời để cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Sinh, một trong những việc rất quan trọng là thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo nguồn cung nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Liên quan đến tình trạng thiếu điện hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời điểm nắng nóng như hiện nay, việc bắt buộc phải cắt điện luân phiên ở một số nơi gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong 4 tháng đầu năm, tình hình cung cấp điện ổn định, nhưng từ đầu năm nắng nóng ở nhiều địa phương làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất điện bị thiếu.
Trong 2023, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN có giải pháp để đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất. Theo đó, có các giải pháp chính là vận hành bộ máy sẵn có; khấn trương đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo vào vận hành và tiết kiệm điện.
Hiện đã có 46/50 dự án điện tái tạo được EVN đàm phán ký hợp đồng mua điện. Hy vọng thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện.