Sáng nay 3/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.
Tại các điểm cầu có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành liên quan.
Có bất cập về quản lý, sử dụng đất đai tôn giáo
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, để chuấn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hai cơ quan đứng ra tổ chức hội nghị này nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.
Việc quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề lớn, phức tạp và bất cập trong cơ chế giao đất, sử dụng đất, quản lý, điều hành. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo sát sao vấn đề này. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tham gia sửa đổi Luật Đất đai, các Ban Chỉ đạo Trung ương cũng tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo.
Bộ Nội vụ cũng đang chuẩn bị sơ kết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018, trong đó sẽ đề xuất ban hành chủ trương, chính sách mới về quản lý đất đai trong các tôn giáo, tuy nhiên, đây là vấn đề khó và phức tạp. Việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW là cơ hội, là nút tháo gỡ những khó khăn, là cơ hội để tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm sửa đổi cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 11/2020, các tổ chức tôn giáo sử dụng khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, cơ sở hoạt động xã hội của tôn giáo. Trong đó có cả cơ sở đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo với chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và thực tế sử dụng đất đai của các tôn giáo đã có nhiều bất cập.
Chỉ thị số 1940 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ là một chỉ thị chuyên biệt về đất đai liên quan đến tôn giáo, nhưng mới chỉ cơ bản tháo gỡ được vấn đề đất đai tồn đọng giai đoạn trước để lại, chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013, đã có nhiều quy định cụ thể đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài. Thực tế áp dụng Luật Đất đai năm 2013 còn những điểm khó và vướng trong công tác quản lý như về hạn điền, giao đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Cùng với đó là bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai tôn giáo, trong đó có việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo; thiếu chủ động giải quyết vấn đề đất đai; việc vận động quần chúng ở một số nơi chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận từ phía tôn giáo.
Vì vậy, các giải pháp trong thời gian tới đã đặt ra những bất cập nêu trên để có hướng khắc phục. Trong đó có việc sửa Luật Đất đai; chủ động đáp ứng nhu cầu về đất đai để xây dựng cơ sở thờ tự chính đáng và hợp pháp của tín đồ tổ chức tôn giáo; đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết triệt để tình trạng phản ánh của người dân liên quan đến vi phạm đất đai...
Kế hoạch, giải pháp thời gian tới
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đề nghị, báo cáo cần làm rõ hơn thực trạng quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo, cả tính hợp pháp và bất hợp pháp; những vướng mắc trong vấn đề xây dựng thể chế, thực thi pháp luật; nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước liên quan đến sử dụng đất đai trong tôn giáo…
Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đên tôn giáo, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Luật Đất đai để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo. Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nội vũ Vũ Chiến Thắng khẳng định, đất đai là sở hữu toàn dân, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hợp pháp được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, mặc dù vậy, các cơ sở tôn giáo và tín đồ đều tăng sau mỗi năm trong khi đó quỹ đất không tăng.
Thời gian tới, cần có quỹ đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo; xây dựng cơ chế bình đẳng trong vấn đề giao đất cho các tôn giáo; giải quyết tốt các vấn đề chồng chéo về thể chế liên quan đến đất đai tôn giáo …
Kết luận Hội nghị trực tuyến, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ đã phản ánh được những vấn đề về sử dụng đất đai trong tôn giáo, những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai; đồng thời đã có những giải pháp, kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo và bổ sung hoàn thiện chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Trên cơ sở báo cáo, cần đề cập cụ thể các vấn đề lớn về chính sách đất đai, có tính chiến lược để phục vụ tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Cùng với đó, cập nhật, đánh giá đầy đủ nhu cầu sử dụng đất đai trong tôn giáo. Tập trung lựa chọn một số địa phương để phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc tổ chức tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW liên quan đến đất đai trong tôn giáo. Tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo tổng kết Luật Đất đai năm 2013, đề xuất bổ sung một số nội dung mới liên quan đến quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.