Ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ Giáo dục Liên bang Nga do Thứ trưởng Gribov Denis Evgenievich dẫn đầu, đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Nga trên các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo được xem là điểm sáng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cảm ơn Chính phủ Liên bang Nga đã có những hỗ trợ quý báu đối với ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GDĐT chủ trương khuyến khích đa dạng hóa trong dạy và học ngoại ngữ. Hiện nay, tiếng Nga được giảng dạy chủ yếu tại các trường THPT chuyên, các khối chuyên ngữ của các trường đại học và là 1 trong 7 ngoại ngữ được giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ở Việt Nam, tính đến thời điểm này, có khoảng 200 giáo viên/giảng viên dạy tiếng Nga ở 11 trường phổ thông và 25 cơ sở giáo dục đại học với hơn 5000 học sinh, sinh viên học tiếng Nga.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Liên bang Nga và các cơ quan trong việc như xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập tiếng Nga chuyên ngành; biên soạn sách giáo khoa tiếng Nga phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 của Việt Nam và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên dạy tiếng Nga trên toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng gửi lời cảm ơn Bộ Giáo dục Liên bang Nga, thông qua Trung tâm Giáo dục quốc tế Interdom đã hỗ trợ Bộ GDĐT để triển khai thực hiện Dự án nhân văn “Giáo viên Nga ở nước ngoài” từ năm 2020 đến nay. Dự án đã thực sự mang lại nhiều ý nghĩa với sự nghiệp phát triển và phổ biển tiếng Nga tại Việt Nam. Bộ GDĐT cũng nhận được nhiều ý kiến tích cực của các cơ sở giáo dục về dự án này và mong Bộ Giáo dục Liên bang Nga tiếp tục duy trì dự án.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Nga Gribov Denis Evgenievich cho biết, Liên bang Nga luôn ưu tiên và mong muốn hợp tác cùng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Liên bang Nga sẵn sàng xây dựng các chương trình giáo dục của hai bên, tích hợp nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, tổ chức các khóa đào tạo giáo viên để nâng cao trình độ, chuyên môn dạy và học tiếng Nga tại Việt Nam.
Cùng với đó là hỗ trợ, xây dựng các hệ thống, mở rộng các chương trình nghiên cứu, giáo án, sách giáo khoa để phát triển tiếng Nga tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ hoàn thiện nội dung Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.