Cần có hành lang pháp lý chuẩn và cơ chế phối hợp để truy thu phí không dừng khi chủ phương tiện nợ phí.
Theo Bộ GTVT, lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC dự kiến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đơn làn ETC có barie, thực hiện từ năm 2016 đến năm 2023. Giai đoạn 2 đơn làn tự do ETC, không có barie, dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2025. Giai đoạn 3 đa làn tự do ETC, không có barie, không còn đảo thu phí, dự kiến từ năm 2026 trở đi (giai đoạn này chỉ có giá long môn lắp đặt thiết bị đọc thẻ ETC và trừ tiền trong tài khoản).
Theo Bộ GTVT, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 được xác định là khó khăn nhất, bởi cần có hành lang pháp lý chuẩn, không chỉ là xác định đơn vị gánh chịu rủi ro khi chủ phương tiện nợ đọng tiền phí, mà còn là hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp để truy thu chủ phương tiện chây ì trong việc trả phí.
Khi Luật Đường bộ và các văn bản dưới luật được thông qua, có hiệu lực sẽ là cơ sở để triển khai hình thức thu phí điện tử đơn làn, đa làn tự do theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng dịch vụ thu phí không dừng đường bộ đối với các dịch vụ giao thông khác như thu phí cảng hàng không, sân bay, cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm…
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển sang giai đoạn 2 cho phép chủ phương tiện trả sau hay giai đoạn 3 bỏ barie không khó, quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý thu hồi nợ, trả sau.
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng nghị định về thanh toán điện tử giao thông để hướng dẫn nội dung thu phí điện tử trong dự thảo Luật Đường bộ.
Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan (ngân hàng, các doanh nghiệp BOT, các nhà cung cấp dịch vụ). Cùng đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế trả sau, cơ chế xử lý rủi ro, chế tài xử phạt các hành vi không trả tiền.
Để ngăn tình trạng trốn phí, hệ thống camera sẽ ghi nhận biển số và gửi hóa đơn về tận nhà chủ phương tiện. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, ngoài tiền phí còn phải chịu thêm lãi suất chậm thanh toán. Thậm chí, khi chủ phương tiện thiếu phí nhiều lần, các trạm thu phí có thể từ chối phục vụ.
Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng cơ chế theo hướng có thể cho phép tỷ lệ rủi ro nhất định (các trường hợp bất khả kháng như chủ phương tiện cố tình trốn phí, xe bị cháy, chủ phương tiện không còn, doanh nghiệp vận tải phá sản… phải đưa vào nợ xấu, không thu được phí).
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đưa ra các trường hợp có thể xảy ra khi cho phép trả sau, tương ứng với đó là hình thức xử lý. Trong đó, phân rõ trường hợp nào cần xử lý, trường hợp nào là bất khả kháng.