Thủ đoạn gian lận thương mại trên thương mại điện tử ngày càng tinh vi

Mạnh Nguyễn| 25/08/2019 16:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện nay, thủ đoạn hoạt động gian lận thương mại trên thương mại điện tử (TMĐT) của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Báo cáo tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với các Cục, Vụ về vấn đề gian lận thương mại trong thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin hiện nay, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Cụ thể, các đối tượng tìm mọi cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Thậm chí có những đối tượng bán mặt hàng cấm nhưng lại không đưa rõ hình ảnh mà đưa một cái tên rất khó phát hiện như “Cỏ Mỹ”, “Lá cây đu đủ”...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng, không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ lập fanpage để chạy quảng cáo, bán hàng. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.

Thủ đoạn gian lận thương mại trên thương mại điện tử ngày càng tinh vi

Ảnh minh họa.

Theo ông Hải, đối tượng thông tin, bán hàng lên mạng, khi đó họ sử dụng những hình ảnh thật, nhưng khi mua hàng, sản phẩm mà khách hàng nhận được thì lại là hàng giả, hàng nhái. Điều này bản thân khách hàng không biết được. Ngoài ra cũng có những trường hợp nhiều người mua thích hàng rẻ nên biết là nhái vẫn mua hoặc không phát hiện được.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng thừa nhận rằng trình độ kỹ thuật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý thực thi còn yếu, trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được những thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, thời gian tới Cục sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Đồng thời tập trung vào những mặt hàng giả, nhái nhiều như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ và các mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Theo thông tin từ các cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử và các tổ chức có uy tín, ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25% và năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro làm mất lòng tin với người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hiện nay có 03 loại hình TMĐT cần quan tâm đó là: Sàn giao dịch TMĐT; bán hàng trên mạng xã hội; bán hàng trên website TMĐT.

Theo ông Linh, hiện nay, hầu hết các hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm. Một khó khăn nữa là hầu hết các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể, chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn. Thêm vào đó, inh doanh qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Trước những vấn đề nảy sinh từ thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu cần nghiêm túc thực hiện, triển khai, phối hợp có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục Quản lý thị trường phải đánh giá từ thực tiễn tình trạng gian lận thương mại liên quan đến TMĐT, đề xuất kế hoạch chống gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT. Phối hợp các lực lượng của quản lý thị trường với Ban chỉ đạo 389, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số tại các địa bàn trọng điểm triển khai trong quý IV/2019.

Từ năm 2018 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện thanh tra tại 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị. Tổng mức xử phạt 500 triệu đồng. Đối với nhiệm vụ rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tính đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là 35.943 và hơn 3000 tài khoản trên các sàn đã bị khoá.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn gian lận thương mại trên thương mại điện tử ngày càng tinh vi