Thông tin tiếp về vụ Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng gây ô nhiễm môi trường, cày nát đường thôn

Nhóm PV Tây Nguyên| 04/01/2016 17:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Báo Công lý có bài phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường và làm nát đường thôn của Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng (Kon Tum), tuy nhiên đến nay công ty này vẫn chưa khắc phục hậu quả, tiếp tục kéo dài những vi phạm trên.

Công ty đề xuất bằng miệng, xã "ung dung"... không làm nữa

Liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng  vận chuyển sắn tươi bằng những xe tải trọng lớn, vượt quá mức cho phép hàng chục tấn (xe chở từ 20-30 tấn, trong khi đường chỉ chịu tải xe chở không quá 5 tấn) đã khiến cho con đường này trở nên xuống cấp trầm trọng, thậm chí bị cày nát. Ngày 27/8/2015, UBND xã đã có văn bản số 85/BC-UBND gửi lên huyện phản ánh về “tình hình xuống cấp, hư hỏng tuyến đường bê tông thôn 6 trên địa bàn xã”. Trong đó nêu rõ: Tuyến đường từ Quốc lộ 40B, đến Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng dài 1.114m, hiện nay toàn bộ mặt đường đã bị sụt lún, lầy lội, một số điểm kết cấu bê tông bị đứt gãy. Xã đã mời Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng lên làm việc, công ty cam kết sẽ có trách nhiệm tu sửa đoạn đường bị hư. Nhưng công ty đã để kéo dài những xe quá tải từ 20-30 tấn lưu thông.

Sau khi nhận được báo cáo từ UBND xã Kon Đào, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KTHT) huyện Đăk Tô đã có văn bản số 56/PKTHT, ngày 29/9/2015 đề nghị UBND xã Kon Đào trước mắt phải tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện có trọng tải lớn qua lại, giảm thiểu hư hỏng mặt đường, cụ thể: “Cắm biển báo 2,5T hạn chế tải trọng; Cắm cọc hạn chế bề rộng mặt đường (rộng B=1,8m)…”.

Thông tin tiếp về vụ Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng gây ô nhiễm môi trường, cày nát đường thôn

Huyện yêu cầu đặt biển 2,5T, xã lại đặt loại 5T nhưng cũng đã bị kẻ gian xóa số

Ngay sau đó, UBND xã cũng đã cho lắp biển báo, tuy nhiên là loại biển 5T chứ không phải 2,5T như yêu cầu của phòng KTHT huyện, còn cọc bê tông đến nay vẫn chưa triển khai. Trong khi trước đó, trao đổi trên Báo Công lý, Chủ tịch UBND xã Kon Đào Võ Văn Mẫn cho biết, “chậm nhất đến ngày 20/12 sẽ chôn xong trụ bê tông hai bên đường”.

Ngày 30/12, PV tiếp tục có cuộc trao đổi với vị Chủ tịch này, ông Võ Văn Mẫn khẳng định đơn vị “không chôn cọc bê tông nữa”. Theo ông Mẫn lý giải: Con đường này trước đây là của điện lực Kon Đào tự bỏ tiền ra để làm. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng có lên trao đổi về vấn đề xin xã cho làm lại con đường bê tông này. Đồng thời, hẹn ngày làm việc cùng với địa chính xã để đi đo chiều dài con đường từ QL 40B vào công ty để xin dự toán thi công… Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng cũng xin đầu tư làm mới lại hết, nên xã sẽ không chôn trụ nữa.

Liên quan việc Phòng KTHT huyện đề nghị xã cắm biển báo cũng như cắm trụ bê tông đầu đường, nhưng xã chỉ “làm nửa vời”, ông Mẫn cho biết: Phòng KTHT chưa theo dõi được đoạn đường này dày bao nhiêu phân nên đề nghị không đúng với thực tế, việc này xã cũng đã báo lại cho Trưởng phòng KTHT huyện Đăk Tô.

Thông tin tiếp về vụ Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng gây ô nhiễm môi trường, cày nát đường thôn

Xe quá tải tiếp tục chạy nhiều, con đường bê tông tiếp tục xuống cấp trầm trọng

Về lý do để kéo dài việc chôn trụ bê tông hai bên đường qúa lâu ông Mẫn phân trần: Vì trụ bê tông chưa khô nên chưa làm được, sau đó lại quyết định sẽ không chôn trụ bê tông do đại diện Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng đã nhận làm trước đó.

Ngoài ra, theo vị Chủ tịch này, đây là con đường do Thủy điện Kon Đào tự bỏ vốn ra làm từ lâu, lại do xã quản lý nên xã tự cho phép và sẽ “không thông qua” Thủy điện Kon Đào, cũng như không xin ý kiến của huyện vì đây là vốn đầu tư tự nguyện chứ không phải vốn nhà nước.

Xã phải có trách nhiệm báo cáo thông qua huyện

Để làm rõ hơn sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Anh - Phó trưởng phòng KTHT huyện Đăk Tô. Ông Anh khẳng định: Việc làm con đường nông thôn, dù là vốn của nhà nước hay bất kỳ cá nhân nào thì cũng phải được thông qua xã, và xã phải có trách nhiệm báo cáo thông qua huyện.

Ông Phạm Ngọc Anh - Phó trưởng phòng KTHT huyện Đăk Tô trả lời PV

Theo ông Anh: “Xã phải thông báo về cho phòng và cho huyện, nếu tự xã làm mà có vướng mắc gì về khiếu nại, quy hoạch, quy định trong thi công thì xã phải chịu trách nhiệm. Các văn bản, báo cáo giữa ngành với xã nếu có vướng mắc, thì xã nên có văn bản báo cáo lại với ngành, nhưng hiện tại chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào”. Ngoài ra, vị Phó phòng này cũng không giấu được vẻ ngỡ ngàng khi nói “Tưởng… cắm rồi đấy!. Chúng tôi sẽ làm việc và kiểm tra để xem vì sao xã không cắm (trụ bê tông)”.

Qua sự việc trên có thể thấy, cấp tỉnh mặc dù có chủ trương chỉ đạo thì đúng và trên tinh thần có phản hồi để sự việc được giải quyết ngay, nhưng lại chưa giám sát, sát sao để vấn đề được giải quyết đến cùng. Về phía xã thì chưa làm hết trách nhiệm, chưa thực hiện nghiêm túc những yêu cầu chỉ đạo của cấp trên một cách thông suốt, dẫn đến những vi phạm của Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng đến nay vẫn kéo dài, chưa được giải quyết triệt để.

Được biết đến thời điểm này, sau hai lần Đoàn kiểm tra về lĩnh vực môi trường của tỉnh, huyện và xã đã phối hợp trực tiếp xuống công ty kiểm tra và đưa ra kết luận: Các chỉ tiêu và quy định trong công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy chế biến mủ cao su đều không đạt.

Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải đã trực tiếp chỉ đạo, trong thời gian 3 tháng từ lúc kiểm tra ngày 27/10/2015 đến 28/1/2016, Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng phải khắc phục xong các nội dung chưa thực hiện được. Nếu quá thời hạn trên mà Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng chưa hoàn thành việc khắc phục thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin tiếp về vụ Công ty TNHH MTV Hiệp Hưng gây ô nhiễm môi trường, cày nát đường thôn